Trương Gia Bảo làm thương mại điện tử từ 20 năm trước khi tất cả đều cho rằng đây là “đường chết”…
Ông Trương Gia Bảo – Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số DTS (DTS), Liên minh NFT trực thuộc Trung tâm Quản lý tài sản số và Câu Lạc bộ Blockchain phát triển bền vững – không ngại tự nhận mình có tầm nhìn tương lai và tư duy của “á thần” công nghệ.
SỨ MỆNH CỦA DTS
Theo thủ lĩnh DTS, liên minh này có sứ mệnh hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ từng bước thay đổi tư duy, đưa dữ liệu lên nền tảng số, chuẩn hóa quy trình và đào tạo nhân lực số. “Những DN lớn đều đã ít nhiều chuyển đổi số nên chúng tôi hướng đến DN nhỏ và vừa, nhóm chiếm tới hơn 90% tổng số DN của Việt Nam và cũng là nhóm đi chậm nhất” – ông Trương Gia Bảo giải thích.
Chủ tịch DTS cho hay có 4 cấp độ chuyển đổi số. Trong đó, tầng thứ nhất là “số hóa dữ liệu”, tức đưa dữ liệu lên môi trường số; tầng thứ 2 là “quy trình số”, tức số hóa quy trình làm việc; tầng thứ 3 là “tự động số” và tầng cuối cùng là “thông minh số”. Hiện nay, rất ít DN nhỏ và vừa hoạt động theo quy trình tổng thể nên ngay từ cấp độ chuyển đổi số thứ hai đã rất khó thực hiện, dẫn đến không đào tạo được nhân lực số phù hợp. Do đó, thách thức và cũng là yêu cầu lớn nhất để DN nhỏ và vừa chuyển đổi số là cần hỗ trợ chuẩn hóa quy trình.
Một điểm hạn chế khác của DN – trong đó có không ít DN quy mô vừa và lớn – là còn mơ hồ về đường đi, hướng tiếp cận chuyển đổi số. DN nhận thức được phải đầu tư để chuyển đổi số nhưng không biết đầu tư bao nhiêu và đầu tư thế nào. Khi chuyển đổi số trở thành phong trào, họ không đứng ngoài cuộc chơi song đa phần lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ công nghệ giá rẻ, không ý thức được những nguy cơ tiềm ẩn khi hoạt động trên môi trường số.
“DTS xác định gánh lấy trách nhiệm làm người hướng dẫn DN đi đúng đường. Chúng tôi đã xây dựng nội dung đào tạo về an toàn số và sử dụng phần mềm khám bệnh để xác định DN đang ở đâu, từ đó dẫn dắt họ chuyển đổi số hiệu quả” – thủ lĩnh DTS cho hay.
DTS đã hỗ trợ nền tảng bán hàng trực tuyến hiện đại để quận 5 (TP HCM) triển khai “Chợ phiên online Chợ Lớn” với nhiều mặt hàng đặc sản. Đội ngũ hàng trăm người của DTS và Trường ĐH FPT đã hỗ trợ tiểu thương từ quy trình đăng ký thông tin đến chụp ảnh, viết nội dung giới thiệu sản phẩm. Tại nhiều địa phương khác như Bến Tre, Thanh Hóa…, DTS cũng tổ chức những buổi workshop hỗ trợ DN chuyển đổi số. “Thời kỳ đầu, DN thấy chuyển đổi số lạ lẫm như xem xiếc. Nếu bản thân họ không thật lòng muốn chuyển đổi thì không thể thực hiện hiệu quả” – ông Bảo nêu thực thế.
AI NÀO PHÙ HỢP CHO VIỆT NAM?
Theo ông Trương Gia Bảo, lộ trình chuyển đổi số trên toàn quốc sẽ diễn ra trong 30 – 50 năm. Sau giai đoạn này, khi toàn xã hội đã trở thành xã hội số, mỗi công dân đều là công dân số thì trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ chiếm lĩnh toàn bộ đời sống.
Trên đại lộ công nghệ, thời đại của AI sẽ đến rất nhanh chóng. Việt Nam cần có tư duy làm AI một cách phù hợp, mà tư duy phù hợp nhất là làm “local AI” – AI hiểu người Việt nhất. “Nhân lực trong lĩnh vực khoa học – công nghệ của chúng ta rất lớn, rất sáng tạo. Chúng ta hoàn toàn có thể tham gia phát triển các tầng ứng dụng phía trên để sử dụng ngay, sau đó nghiên cứu đến những tầng nền tảng sâu hơn, khó hơn ở phía dưới” – ông Bảo gợi mở.
Chủ tịch DTS cho rằng AI không phải là công nghệ mới, đã xuất hiện từ 15 – 20 năm trước. Nhưng nhờ sức nóng và độ lan tỏa của ChatGPT với đặc điểm ứng dụng dễ dàng và phù hợp với nhu cầu số đông, AI trở nên quen thuộc hơn. Trước đây, AI đi liền với big data (dữ liệu lớn) và chỉ được những DN, đơn vị quy mô rất lớn sử dụng do phải xử lý khối lượng dữ liệu cực nhiều. Tuy nhiên, AI hiện nay đã trở thành công cụ cho tất cả mọi người sử dụng trên nền tảng dữ liệu đã tích lũy.
Dự báo về sự bùng nổ của AI, ông Trương Gia Bảo nói: “Thời điểm đó đang đến rất gần! Đó là lúc AI kết nối gần hơn với cuộc sống của con người, hoạt động của DN”. Ngay lúc này, đã có nhiều AI smart home (nhà thông minh) được ứng dụng ở Việt Nam như robot làm việc nhà, trợ lý ảo, thiết bị kết nối internet phục vụ nhu cầu con người (rót nước, pha cà phê, mở cửa đón khách…). Việc đào tạo AI (deep learning) trên nền tảng chung cũng sẽ được phổ cập dần khi thị trường Việt Nam có nhu cầu nhiều hơn.
Ông Trương Gia Bảo kể từng làm một dự án đào tạo robot AI chơi chứng khoán theo phong cách một cá nhân cụ thể rồi bán cho một sàn chứng khoán ở Úc, thu về hàng chục triệu USD. Đầu tiên, robot được dạy mô phỏng cách chơi chứng khoán khác biệt của từng nhóm nhà đầu tư như người già, sinh viên, dân văn phòng, bà nội trợ… Sau đó, nhóm thực hiện dự án tiếp tục dạy robot theo phong cách cá nhân hóa bằng cách đưa vào những lệnh đã được một nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đánh để robot học phong cách chơi của người đó trong từng tình huống cụ thể. Khi hoàn thành deep learning, robot AI có thể hoàn toàn thay thế con người. “Nếu dạy robot chơi chứng khoán theo cách chung của một nhóm người thì khi thị trường có quá nhiều người chơi, robot sẽ bị “phế”, thua chung với thị trường. Muốn “ăn” thì phải đánh khác biệt với thị trường” – ông Bảo thuyết minh.
Cho rằng những người có nền tảng, sự hiểu biết sâu về công nghệ và nắm giữ một ngành kinh doanh là “á thần” của thời đại, ông Trương Gia Bảo nhìn nhận cơ hội cho họ sẽ kéo dài khoảng 20 – 30 năm nữa. Đó là giai đoạn mà công nghệ có vai trò rất lớn đối với khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo trong khi đa phần công ty công nghệ của Việt Nam còn non, thậm chí có không có domain (tên miền) và thiếu kiến thức ngành.