Cập nhật phần mềm mới nhất, cẩn trọng khi cài đặt ứng dụng lạ hay kiểm tra tất cả thông tin bất thường trên điện thoại… là những cách để giúp điện thoại của người dùng chống bị hack.
Hiện nay, phần lớn người dùng sử dụng điện thoại chưa biết cách để bảo vệ thiết bị của mình trước những hacker có ý định xâm nhập để khai thác dữ liệu thông tin cá nhân nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Dưới đây là những cách giúp điện thoại của bạn chống bị hack.
Cập nhật phần mềm mới nhất
Người dùng cần cài đặt cập nhật phần mềm/phiên bản ứng dụng mới nhất ngay khi nó được phát hành. Việc này sẽ giúp lỗ hổng trong chiếc điện thoại được vá và tăng tính an toàn.
Cẩn trọng khi cài đặt ứng dụng
Thông thường, khi cài đặt một ứng dụng sẽ bị yêu cầu cho phép cấp quyền truy cập, cung cấp thông tin, đồng bộ danh bạ điện thoại, bật vị trí…, bạn cần cân nhắc trước khi phê duyệt yêu cầu đó.
Đặc biệt, đối với các ứng dụng/phần mềm chưa được xác minh hoặc từ website không rõ nguồn gốc, người dùng không tải về mà cần phải có sự tư vấn của những người am hiểu, chuyên gia công nghệ.
Kiểm tra tất cả những gì có trong điện thoại
Nếu nhìn thấy trên điện thoại của mình xuất hiện các ứng dụng lạ hoặc cảm thấy nghi ngờ, bạn nên xóa ngay lập tức để thiết bị trở nên “sạch”.
Đối với Android, có thể tải các ứng dụng miễn phí từ Avast và McAfee. Hai ứng dụng này sẽ giúp cảnh báo trong trường hợp người dùng đang cố cài đặt ứng dụng nghi ngờ độc hại và cảnh báo ai đó đang cố lừa họ nhập mật khẩu vào các ứng dụng hoặc trang web “đen”.
Thường xuyên thay đổi mật khẩu
Cần thường xuyên thay đổi mật khẩu trên điện thoại hoặc sử dụng thêm Touch ID để tăng cường mức độ an toàn. Bên cạnh đó, bảo mật các thông tin cá nhân và bảo đảm điện thoại phải bị khóa khi không sử dụng.
Đồng bộ tài khoản trên các thiết bị
Việc đồng bộ tài khoản Google Chrome hay Safari với thiết bị di động và máy tính giúp người dùng không mất thời gian khi gõ lại mật khẩu đã lưu sẵn, đồng thời bảo vệ thiết bị khỏi những trang web không an toàn.
Theo Người Lao Động