“Chợ mạng” là mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng dỏm tung hoành bởi việc quản lý còn nhiều bất cập trong khi lĩnh vực này có tốc độ phát triển rất nhanh. Ông Đỗ Hồng Trung – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) – cho hay Việt Nam thuộc tốp 5 nước có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) hàng đầu thế giới.
Nhiều lỗ hổng quản lý
Hàng trăm sàn TMĐT hoạt động dưới hình thức website cùng hàng loạt nền tảng mạng xã hội (MXH) như TikTok, Zalo, Facebook, Instagram… cho phép bán hàng online là môi trường lý tưởng để một số người bán hàng lợi dụng nhằm giao dịch hàng hóa vi phạm pháp luật.
“Các sàn TMĐT chưa có cơ chế kiểm soát, xác minh hàng hóa một cách chặt chẽ, tạo kẽ hở để người kinh doanh đưa hàng giả, hàng nhái vào bán. Hành lang pháp lý đối với lĩnh vực TMĐT vẫn còn sơ sài, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn nên chưa đáp ứng được yêu cầu” – ông Trung phân tích nguyên nhân.
Từng quản lý một sàn TMĐT lớn, ông P.L chỉ ra các sàn chỉ quy định chặt chẽ ở khâu xét duyệt mở gian hàng với yêu cầu xuất trình giấy phép kinh doanh, giấy tờ chứng minh chất lượng hàng hóa… Sau đó, không sàn nào có đội ngũ kiểm soát hoạt động gian hàng mà chỉ duy trì kênh phản hồi của người dùng. “Chất lượng hàng hóa trên sàn hiện nay tùy thuộc vào uy tín, trách nhiệm của mỗi chủ cửa hàng” – ông P.L nêu thực tế.
Ông Lưu Thanh Phương, người từng sở hữu 1 sàn TMĐT tại Việt Nam, cho rằng với hình thức kinh doanh phổ biến trên MXH là C2C (người mua và người bán đều là cá nhân), cần có bên thứ ba làm nhiệm vụ quản lý hoạt động bán hàng và bảo vệ người tiêu dùng. “Người mua hàng trên MXH thường dựa vào thông tin đánh giá song có tình trạng một số trang bán hàng tắt chức năng này, thậm chí ẩn đi bình luận tiêu cực” – ông Phương băn khoăn.
Không thiếu biện pháp kiểm soát
Theo tìm hiểu của phóng viên, có nhiều giải pháp công nghệ hiện đại có thể hỗ trợ quản lý, kiểm soát hoạt động TMĐT.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing của Haravan – công ty cung cấp giải pháp TMĐT và bán lẻ, cho biết nhiều nền tảng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để quét hàng giả, đạt hiệu quả cao hơn rõ rệt so với rà soát thủ công. Với các thương hiệu nổi tiếng, nếu bài rao bán sản phẩm không phải của gian hàng chính thức hoặc gian hàng ủy quyền thì đều bị chặn.
“Người mua có thể lựa chọn các địa chỉ mua hàng trực tuyến tin cậy như website bán hàng đã đăng ký với Bộ Công Thương, gian hàng mall (chính hãng – PV) trên sàn TMĐT, tài khoản trên MXH có tích xanh…” – ông Tấn đề nghị.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, các quy định về trách nhiệm giám sát, quản lý bán hàng trên sàn TMĐT và MXH đều đã có nhưng việc thực thi, giám sát chưa rốt ráo. Nhiều sàn TMĐT tuy đã có chế tài xử phạt chủ thể kinh doanh vi phạm nhưng chỉ ở mức cảnh báo, phạt hợp đồng hoặc đóng cửa gian hàng.
“Cần có biện pháp xử lý dân sự hoặc hình sự, tùy mức độ, để tăng tính răn đe đối với các chủ thể kinh doanh trên nền tảng trực tuyến” – ông Thắng đề xuất.
Về phía sàn TMĐT, đại diện Lazada cho biết sàn này thường xuyên rà soát, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm khi phát hiện hoặc khi nhận được phản ánh, khiếu nại. Lazada cũng phối hợp chặt chẽ với các thương hiệu đối tác và cơ quan quản lý để xác định, kịp thời loại trừ những trường hợp kinh doanh hàng giả, hàng nhái…
Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Tăng trưởng và Chiến lược Chợ Tốt, cũng cho biết Chợ Tốt đã đầu tư nhân lực và công nghệ nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động mua bán, bảo vệ quyền lợi của người dùng. Bên cạnh đó, Chợ Tốt đẩy mạnh hợp tác chiến lược với các đối tác lớn trong ngành bán lẻ để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như uy tín cửa hàng.
Những giải pháp mạnh tay
Đại diện Ban Chỉ đạo 389 thông tin các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi bán hàng vi phạm trên không gian mạng. Điển hình là việc lực lượng quản lý thị trường (QLTT) triệt phá vụ livestream (phát trực tiếp) bán hàng lậu trên một trang Facebook của chủ nhân ở tỉnh Lào Cai. Tổng kho hàng lậu “khủng” này đạt doanh thu gần 650 tỉ đồng sau hơn 2 năm bán hàng online với các sản phẩm giày dép, kính mắt, quần áo, túi xách… nhái các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài.
Giữa năm 2023, Đội QLTT số 24 – Cục QLTT TP Hà Nội sau khi phát hiện vụ việc buôn bán hàng giả là thực phẩm trên các trang mạng xã hội đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra. Từ hồ sơ của QLTT và tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 2 bị can…
Một giải pháp rất quan trọng được lực lượng QLTT triển khai là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Mới đây, Tổng cục QLTT đã mở cửa phòng trưng bày nhận diện hàng thật – hàng giả với trên 500 sản phẩm thuộc các lĩnh vực hóa – mỹ phẩm; thực phẩm chức năng; thời trang; giày dép, trang sức; phụ tùng ô tô, xe máy; hàng tiêu dùng, sữa, nông sản… nhằm cung cấp kiến thức cho người tiêu dùng.
Đáng chú ý, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã công bố kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok. Trong đó, TikTok đã phát triển TikTok Shop nhưng để tồn tại nhiều mặt hàng vi phạm. Cơ quan quản lý yêu cầu TikTok có biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu; có biện pháp cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hay vĩnh viễn đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm…
Theo Báo Người Lao Động