Trong khu chợ Hoa Cường Bắc của Thâm Quyến, người ta nói rằng đây là nơi những chiếc iPhone ăn cắp được “xẻ thịt” bán linh kiện hoặc phù phép để bán ra ngoài thị trường.
Trang Financial Times đã theo dấu những chiếc iPhone ăn cắp ở châu Âu để nhận ra chúng có một hành trình dài hàng nghìn km từ London đến Thâm Quyến. Tại đây, những chiếc iPhone cũ được “phù phép” rồi bán cho những thương nhân ở những quốc gia đang phát triển. Họ mang về bán trong nước với giá rẻ.
“Thủ phủ iPhone ăn cắp” Hoa Cường Bắc
Nếu ở những khu phố khác, tòa nhà Feiyang Times, một khối kiến trúc xám xám nâu nâu tẻ nhạt ở miền nam Trung Quốc, có lẽ sẽ chỉ nổi bật nhờ những cột trụ dán đầy khẩu hiệu quảng cáo lòe loẹt ở sân trước.
Nhưng giống như nhiều chợ đồ điện tử trong các trung tâm mua sắm phức tạp của Hoa Cường Bắc, tầng 4 của tòa nhà này có một chuyên môn đặc biệt: bán iPhone cũ từ Châu Âu và Mỹ.
Nhiều chiếc điện thoại được bán ở đây là hàng đổi cũ hợp pháp, được người tiêu dùng phương Tây trả lại cho các nhà mạng hoặc cửa hàng điện thoại khi họ nâng cấp lên các mẫu mới nhất.

Tuy nhiên, tòa nhà này cũng là tâm điểm trên các diễn đàn cộng đồng Apple, mạng xã hội và các nạn nhân mất điện thoại xác định là “tòa nhà chứa những chiếc iPhone bị đánh cắp” của Trung Quốc.
Đây là một trong những mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng công nghệ cũ khởi đầu từ phương Tây, đi qua các nhà buôn ở Hồng Kông (Trung Quốc) và tiếp tục đến các thị trường ở đại lục cũng như các nước đang phát triển trên thế giới.
Hành trình của một chiếc điện thoại bị đánh cắp
Sam Amrani, một doanh nhân công nghệ, vừa kết thúc công việc ở Kensington, London, đang gõ tin nhắn trên WhatsApp thì hai người đàn ông đi xe đạp điện xuất hiện ở hai bên, giật chiếc iPhone 15 Pro mới mua được bốn tháng của anh.
Amrani, người có công ty pass_by chuyên cung cấp phân tích địa không gian cho các doanh nghiệp bán lẻ, đã đặc biệt quan tâm đến hành trình chiếc điện thoại của mình. Anh theo dõi nó đến một cửa hàng sửa chữa phía sau ga Marylebone và qua một vài địa điểm khác ở London.
Sau một tuần, anh tỉnh dậy vào ban đêm và thấy nó định vị tại một địa chỉ ở Cửu Long, Hồng Kông, và sau đó dừng lại ở khu Hoa Cường Bắc, Thâm Quyến.
“Nó diễn ra rất nhanh, rất có tổ chức và có vẻ như đã được nhắm mục tiêu từ đầu”, anh nói thêm rằng sau khi đăng câu chuyện của mình lên LinkedIn, anh phát hiện có rất nhiều người khác cũng trải qua điều tương tự.
Các diễn đàn trực tuyến cũng thường nhắc đến việc điện bị đánh cắp ở nhiều nơi xuất hiện ở Thâm Quyến cũng như một loạt các địa điểm trong thành phố. Gần như tất cả chúng đều nằm trong khu vực Hoa Cường Bắc, hoặc gần Hồng Kông.
Cảnh sát Vương quốc Anh cảnh báo hồi tháng 2 rằng nạn trộm điện thoại ở London là ngành công nghiệp trị giá 50 triệu bảng Anh mỗi năm. Lực lượng này đã thu giữ 1.000 thiết bị bị đánh cắp và bắt giữ 230 đối tượng chỉ trong một tuần. Các quan chức ở Paris và New York cũng đã báo cáo sự gia tăng số vụ giật điện thoại.
Tại sao điểm đến là Thâm Quyến?
Các nhà buôn ở Hoa Cường Bắc cho biết lý do điện thoại cũ được chuyển đến Thâm Quyến là vì có thể tìm thấy người mua cho mọi loại linh kiện bên trong thiết bị tại các chợ khác nhau trong khu vực, từ màn hình và bảng mạch đến chip và đồng. Thậm chí còn có những nhà buôn sẽ mua cả nhựa thừa vứt đi, thứ có thể được nấu chảy để tái sử dụng làm vỏ chai.
Điều đó có nghĩa là ngay cả những chiếc điện thoại bị người dùng ở phương Tây khóa từ xa cũng có thể được tháo rời thành từng bộ phận và bán với một khoản lợi nhuận nhỏ.
Tòa nhà Feiyang không phải là trung tâm mua sắm duy nhất trong khu vực bán điện thoại cũ. Huaqiang Electronics World, Yuanwang Digital Mall và hàng trăm cửa hàng nhỏ nằm dọc các con phố của khu vực rộng 3 km vuông này đều quảng cáo điện thoại tái chế.
Nhưng theo các nhà buôn, Feiyang là nơi tập trung bán các mẫu điện thoại từ nước ngoài nhiều nhất. Những chiếc điện thoại này có hai điểm hấp dẫn chính so với iPhone bán ra ở Trung Quốc: quyền truy cập vào các cửa hàng ứng dụng toàn cầu và giá rẻ hơn nếu là điện thoại khóa mạng.
Tầng 3 và tầng 4 của tòa nhà, nơi bán iPhone, trở nên sôi động vào buổi chiều muộn và kéo dài đến đêm. Các nhà buôn từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và nhiều nước đang phát triển trên thế giới đổ về các quầy hàng kính chật chội để mặc cả các lô iPhone bán buôn với nhiều mẫu mã và tình trạng sửa chữa khác nhau.
“Hãy nhìn xung quanh đi,” Wang, một người bán iPhone ở Feiyang với mái tóc dựng đứng và quần jean bạc màu, nói. “Có đủ loại điện thoại”.
Hầu hết các nhà bán hàng đều kín tiếng về nguồn gốc hàng hóa của họ. Sáu người nói với Financial Times rằng họ không biết những chiếc iPhone Mỹ nằm trong tủ kính phía trước mình đến đây bằng cách nào.
Bilal Khan, một nhà buôn từ Pakistan đang hy vọng mua 300 chiếc iPhone, cho biết anh đặc biệt tìm kiếm những chiếc điện thoại Mỹ bị khóa SIM, sẽ chịu thuế nhập khẩu thấp hơn ở thị trường quê nhà.
Khách hàng ở Pakistan chỉ sử dụng những chiếc điện thoại này để chụp ảnh, Wi-Fi và chơi game, chứ không cần gọi điện hay dùng dịch vụ dữ liệu.
Munir, một nhà buôn khác đang tìm mua 100 đến 200 chiếc iPhone 13 Pro Max, thứ mà anh có thể bán lại với lợi nhuận khoảng 70 USD mỗi chiếc ở thị trường quê nhà Libya.
Tongtiandi Communication Market, đơn vị vận hành trung tâm thương mại Feiyang, đã không bình luận về các thông tin này.
Khi được hỏi liệu điện thoại bị đánh cắp ở nước ngoài có được bán trong khuôn viên hay không, một đại diện trả lời rằng các nhà cung cấp có quyền riêng tư. “Họ bán gì là việc của họ, bạn tự đi mà hỏi”, người này nói. “Chúng tôi không nhất thiết phải trả lời”.
Theo Nhịp sống thị trường