Từng kỳ vọng là “đột phá công nghệ”, tính năng này trên smartphone giờ không ai thèm ngó tới

Sạc ngược không dây từng được kỳ vọng là một tính năng đột phá, cho phép người dùng chia sẻ năng lượng giữa các thiết bị di động một cách tiện lợi. Tuy nhiên, sau vài năm ra mắt, tính năng này lại dần chìm vào quên lãng và ít được người dùng sử dụng.

Sạc ngược không dây là gì?

Sạc ngược không dây từng là một tính năng nổi bật khi lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 2018 bởi Huawei. Tính năng này cho phép một thiết bị di động có khả năng sạc không dây như một chiếc điện thoại thông minh, có thể chia sẻ năng lượng của mình với một thiết bị khác thông qua công nghệ sạc không dây.

Về cơ bản, sạc ngược không dây cho phép một thiết bị di động đóng vai trò như một đế sạc, truyền năng lượng cho thiết bị khác thông qua cảm ứng điện từ. Tính năng này được tích hợp trên một số dòng điện thoại cao cấp, nổi bật như Samsung Galaxy S10, Huawei P30 Pro hay Xiaomi Mi 9 tại thời điểm ra mắt cách đây vài năm.

Huawei Mate20 Pro là chiếc smartphone đầu tiên hỗ trợ tính năng sạc ngược không dây, ra mắt vào năm 2018

Mục đích ban đầu của tính năng này là mang lại sự tiện lợi và hỗ trợ cho các trường hợp khẩn cấp, cho phép người dùng sạc nhanh cho các thiết bị như tai nghe không dây, đồng hồ thông minh, hoặc thậm chí là điện thoại khác.

Khi được ra mắt và quảng bá, tính năng sạc ngược không dây đã thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng công nghệ và người tiêu dùng. Nó được xem như một bước tiến quan trọng trong lịch sử phát triển của công nghệ sạc không dây, hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới về sự linh hoạt và tiện ích trong việc sạc thiết bị di động.

Vì sao sạc ngược không dây kém ưa chuộng?

Mặc dù sạc ngược không dây ban đầu được coi là một đột phá công nghệ, thực tế lại cho thấy tính năng này không được ưa chuộng như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chính là hiệu suất thấp của tính năng này. Tốc độ sạc chậm hơn nhiều so với sạc có dây là một trở ngại lớn, đặc biệt trong tình huống cần sạc nhanh.

Thêm vào đó, quá trình truyền tải năng lượng không hiệu quả, với một phần năng lượng bị hao hụt, làm giảm đáng kể hiệu quả tổng thể của việc sạc. Đồng thời, việc cần phải đặt hai thiết bị sát nhau trong suốt quá trình sạc cũng tạo ra sự bất tiện, hạn chế khả năng sử dụng và di chuyển của người dùng. Và trong đa số trường hợp, không phải lúc nào người dùng cũng tìm được một chiếc smartphone thứ 2 để sạc ngược cho chiếc smartphone đã hết pin.

03-1-hk-en-S10-wireless-powershare.gif

Trong quá trình sạc ngược, cả thiết bị sạc và được sạc đều phải duy trì ở một vị trí ổn định. Lúc này người dùng không thể sử dụng máy

Bên cạnh đó, tính năng này chủ yếu chỉ có mặt trên các dòng điện thoại cao cấp, khiến nó trở nên kém phổ biến trong số đông người dùng. Ngoài ra, những phụ kiện cần thiết như ốp lưng hoặc đế sạc tương thích cũng khá kén chọn và đắt đỏ, tạo thêm rào cản về mặt chi phí và tiện ích.

“Tính năng sạc ngược không dây của smartphone khá vô dụng. Tôi chỉ thỉnh thoảng sạc tai nghe không dây bằng tính năng này, tuy vậy thời gian sạc mất rất nhiều thời gian và kèm theo đó, dung lượng pin của smartphone cũng tụt nhanh hơn nhiều. Sau một vài lần như vậy thì tôi quyết định mang theo dây sạc và củ sạc, hoặc sạc dự phòng để sạc cho nhanh. Sạc dự phòng hay củ sạc bây giờ đều đã rất nhỏ gọn, không chiếm nhiều không gian trong balo của tôi”, anh P.H, người dùng Samsung Galaxy S22 Ultra cho biết.

Từng kỳ vọng là "đột phá công nghệ", tính năng này trên smartphone giờ không ai thèm ngó tới- Ảnh 3.

Đa số trường hợp người dùng sử dụng sạc ngược không dây để sạc cho phụ kiện như tai nghe, đồng hồ…

“Có một lần tôi dùng sạc ngược không dây sạc cho điện thoại của bạn tôi, nhưng không hiểu sao sạc được khoảng 20 phút thì cả máy tôi và máy bạn tôi đều nóng ran và hết sạch pin. Từ đó tôi không bao giờ dùng tính năng này nữa”, anh M.Đ, cũng là người dùng Samsung chia sẻ về một trường hợp hi hữu.

Thực tế, nhu cầu thực tế sử dụng tính năng sạc ngược không dây cũng giảm bớt do dung lượng pin của các thiết bị di động ngày càng được cải thiện, làm giảm nhu cầu sạc khẩn cấp. Sự xuất hiện và phổ biến của các loại sạc dự phòng nhỏ gọn, tiện lợi hơn cũng làm giảm sự hấp dẫn của việc sử dụng sạc ngược không dây.

Giải pháp thay thế?

Khi sạc ngược không dây không đạt được kỳ vọng mong muốn, các giải pháp thay thế hiệu quả hơn đã xuất hiện và được người dùng ưa chuộng. Sạc dự phòng là một trong những giải pháp hàng đầu, cung cấp sự tiện lợi và linh hoạt cùng với khả năng mang theo dễ dàng. Đa dạng về dung lượng, sạc dự phòng đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng từ các chuyến đi xa đến việc sạc nhanh. Tốc độ sạc nhanh hơn nhiều so với sạc ngược không dây cũng là một ưu điểm nổi bật.

Trong khi sạc ngược không dây bị giới hạn ở công suất rất thấp, từ 2,5W, 3W cho tới chỉ 5W thì sạc dự phòng thông thường đa số đều đã cung cấp công suất sạc nhanh ở mức ít nhất là 10W, cao hơn là mức 20W hoặc 30W, thậm chí có sạc dự phòng có công suất sạc lên tới 100W, có thể sạc được cả laptop, tất nhiên, đổi lại công suất cao sẽ là kích thước cồng kềnh.

Từng kỳ vọng là "đột phá công nghệ", tính năng này trên smartphone giờ không ai thèm ngó tới- Ảnh 4.

Pin sạc dự phòng giờ đây đa dạng chủng loại, nhiều mẫu mã, nhiều tính năng và trải dài từ phân khúc giá rẻ tới cao cấp

Bên cạnh sạc dự phòng, sạc không dây chuẩn Qi và công nghệ MagSafe của Apple cũng là những giải pháp thay thế đáng chú ý. Sạc Qi không chỉ hiệu suất cao hơn sạc ngược không dây mà còn mang đến sự tiện lợi và an toàn khi sử dụng. Đa dạng đế sạc không dây Qi tương thích với nhiều thiết bị, từ điện thoại thông minh đến các phụ kiện điện tử khác. Trong khi đó, công nghệ MagSafe của Apple, với công suất lên đến 15W, không chỉ nhanh chóng và hiệu quả mà còn cung cấp một kết nối an toàn và chắc chắn, giúp người dùng tránh được những rủi ro như cháy nổ do quá nhiệt.

“Là người dùng iPhone đã lâu, trong túi tôi luôn có một viên pin sạc dự phòng. Tôi dùng pin dự phòng của Xiaomi, dung lượng khoảng 5000mAh và có hỗ trợ công nghệ MagSafe rất tiện, có thể sạc được iPhone, điện thoại Android và cả tai nghe rất nhanh. Viên pin này có kích thước rất nhỏ gọn, mang đi mang lại rất tiện. Còn về tính năng sạc ngược không dây thì có lẽ tôi chưa dùng bao giờ, đơn giản vì iPhone không có tính năng này”, chị T.D, người dùng iPhone 15 Pro Max chia sẻ.

genk-xiaomi-magsafe-21-166731853.jpg

Đây là viên pin dự phòng mà chị T.D sử dụng trong năm vừa qua, dung lượng 5000mAh có thể sạc được khoảng 1,5 lần cho iPhone mà còn hỗ trợ cả sạc MagSafe không dây

Ngày nay, nhiều mẫu mã sạc dự phòng còn được tích hợp cả sạc nhanh có dây và sạc nhanh không dây, giúp người dùng có trải nghiệm tiện dụng hơn. Dung lượng lớn, nhiều cổng sạc có thể sạc đồng thời nhiều thiết bị là ưu điểm rất lớn của sạc dự phòng thông thường so với sạc ngược không dây tích hợp trên smartphone. Người dùng hiện tại đa số cũng không ngại việc mang thêm một viên pin dự phòng theo người.

Tạm kết

Sạc ngược không dây, mặc dù là một ý tưởng sáng tạo và hấp dẫn khi mới ra mắt, thực tế lại chưa thể đáp ứng được kỳ vọng của người dùng. Tính năng này, với hiệu suất thấp và hạn chế về tính tương thích cũng như thiếu tính thực tế, đã không thể trở thành một lựa chọn phổ biến trong cộng đồng công nghệ. Những giải pháp thay thế như sử dụng sạc dự phòng, sạc không dây truyền thống không chỉ mang lại tốc độ sạc nhanh hơn và hiệu quả sạc cao hơn, mà còn cung cấp sự linh hoạt và tiện ích mà sạc ngược không dây không có.

Theo GenK

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

58 − 51 =