Trẻ em giữa cạm bẫy trực tuyến

Mới đây, tổng chưởng lý 33 bang của Mỹ đệ đơn kiện Tập đoàn Meta (chủ sở hữu mạng xã hội Facebook, Instagram) lên tòa án liên bang California với cáo buộc tập đoàn này “đã khai thác công nghệ để lôi kéo, thu hút và cuối cùng là gài bẫy giới trẻ và thanh thiếu niên với động cơ lợi nhuận”.

Những cái bẫy ảo

Theo báo The Guardian, đơn kiện của các bang cho rằng một số nghiên cứu đã liên kết việc trẻ em sử dụng các nền tảng mạng xã hội của Meta với một loạt vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, chứng mất ngủ, ảnh hưởng đến việc học tập, cuộc sống hằng ngày và nhiều tác động tiêu cực khác. Các bang cũng cáo buộc Meta vi phạm luật cấm thu thập dữ liệu của người dưới 13 tuổi.

Trong khi đó, ChatGPT, một Chatbot do OpenAI phát triển, sau thời gian ra mắt ấn tượng – với khả năng trả lời lưu loát các câu hỏi về bất cứ lĩnh vực gì mà người dùng đưa ra, làm thơ, soạn nhạc, viết văn bản… – thì nay cũng đối mặt với ít nhiều nghi ngại từ phía người dùng. Theo giới chuyên gia, việc trẻ em tiếp cận ứng dụng này có thể mang lại lợi ích nếu được hướng dẫn đúng cách nhưng cần cảnh giác để tránh nguy cơ phụ thuộc vào công nghệ và mất tương tác xã hội thực tế.

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok. Bên cạnh một số vi phạm về thương mại điện tử, nền tảng này còn vi phạm quy định tại Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Nghị định 130/2021 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Cụ thể, TikTok cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản dù đây là nền tảng mạng xã hội chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên.

Việc trẻ em tiếp cận các mạng xã hội như Facebook, TikTok… và ChatGPT quá sớm gây lo ngại về nguy cơ giảm khả năng tư duy, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của trẻ. Ảnh: Quang Liêm

Bày tỏ lo lắng, chị Nguyễn Thị Hoa (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết sau thời gian sử dụng mạng xã hội, con trai chị có biểu hiện xao lãng học tập và ít quan tâm đến những người xung quanh. “Con tôi dường như không thể thoát ra khỏi màn hình điện thoại. Lúc nào rảnh là cháu lại truy cập vào mạng xã hội, nhiều khi còn quên giờ học bài, ăn cơm” – chị Hoa than phiền.

Nghiêm trọng hơn, con gái anh Vũ Văn Minh (quận 4, TP HCM) mới 12 tuổi nhưng đã bắt chước cách ăn mặc không phù hợp của các nhân vật trên mạng xã hội, nhảy các điệu phản cảm và cách nói chuyện cũng rất… có vấn đề. Chưa hết, cô bé còn thường xuyên so sánh bản thân với những người có nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội và thấy mình thua kém, dẫn đến tâm lý tự ti. “Phát hiện chuyện này, tôi đã hạn chế con sử dụng mạng xã hội, nếu không thì hậu quả về sau sẽ khó lường hơn nữa” – anh Minh nói.

Có con trai 10 tuổi nhưng đã sớm biết sử dụng ChatGPT để hỗ trợ học tập, chị Kiều Anh (quận Đống Đa, TP Hà Nội) ban đầu rất mừng. Nhưng không bao lâu sau, chị không khỏi lo ngại khi con mất dần tư duy độc lập, mất hẳn tính chủ động, thậm chí chép nguyên câu trả lời từ công cụ này vào bài.

Cần tăng mạnh chế tài xử phạt

Ông Ngô Việt Khôi – chuyên gia đào tạo nhận thức an toàn thông tin, nguyên Giám đốc quốc gia Trend Micro – đánh giá mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích song cũng tác động tiêu cực đến người dùng, đặc biệt là trẻ em. Một trong những ảnh hưởng xấu là gây ra áp lực về tâm lý khi trẻ em có sự so sánh bản thân với những người cùng hoạt động trên mạng xã hội. “Hình ảnh trên mạng xã hội thường được lựa chọn và chỉnh sửa kỹ nên không giống thực tế, có thể ảnh hưởng đến khả năng tự hình dung và sự tự tin của trẻ em” – ông Khôi nói.

Bên cạnh đó, trẻ em sử dụng mạng xã hội quá mức có thể bị giảm khả năng giao tiếp trực tiếp, ảnh hưởng đến khả năng xây dựng mối quan hệ xã hội trong đời thực. Đáng lo hơn, các em có thể sớm thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến do ít kinh nghiệm nhận biết hay nạn nhân của tình trạng bắt nạt trực tuyến. Việc chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội cũng khiến các em đối mặt nguy cơ mất quyền riêng tư, mất hoặc lộ, lọt thông tin.

Để hạn chế tác hại của mạng xã hội, ông Khôi cho rằng bên cạnh việc gia đình tăng cường giám sát và định hướng con em sử dụng đúng cách, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có giải pháp quản lý từ đầu nguồn đối với người sáng tạo nội dung số. “Các mạng xã hội cũng phải quản lý nội dung trên nền tảng chứ không thể vô can” – ông Khôi thẳng thắn.

Theo ông Phạm Đình Thắng, chuyên gia bảo mật, cần tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các nền tảng mạng xã hội có nội dung độc hại; người sản xuất clip với nội dung phản cảm, không phù hợp và cả người chia sẻ các nội dung xấu, độc với mục đích câu “like”, câu “view”. Liên quan ảnh hưởng của Chatbot AI đến nhận thức, hành vi của trẻ em, ông Thắng cho rằng các cơ sở giáo dục có thể ứng phó bằng cách đưa ra những bài tập, đề thi mà công cụ này cũng đành “bó tay”, qua đó trẻ em buộc phải tư duy nhiều hơn để tìm ra lời giải.

Chuyên gia công nghệ Trần Thanh Tuấn (giải nhất Giải thưởng I-Star 2021) chỉ ra mối nguy hại của việc trẻ em thường không hiểu rõ về quyền riêng tư trực tuyến và việc chia sẻ thông tin cá nhân, gia đình có thể dẫn đến rủi ro an ninh mạng. Vì vậy, cần có sự quan tâm và hướng dẫn từ phía người lớn để bảo đảm các em sử dụng mạng xã hội một cách an toàn và có ích cho sự phát triển.

Tuy nhiên, thực tế không phải phụ huynh nào cũng hiểu biết về công nghệ để có thể quản lý con cái. Trong khi đó, trẻ em tiếp cận công nghệ nhanh hơn và không có năng lực chọn lọc. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra chế tài kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả và xử phạt mạnh tay hơn.

Theo Người Lao Động

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

78 − = 71