Sau Độ Mixi, đến kênh Youtube Quang Linh Vlogs và Đông Paulo Vlogs bị “tấn công”

Các kênh YouTube có lượng theo dõi lớn đều bị hacker chiếm quyền và đổi ảnh đại diện, ảnh bìa và chuyển tên thành Ripple

Sáng 2-4, kênh Youtube MixiGaming của Độ Mixi bị hacker chiếm quyền, đổi tên, ảnh đại diện, xóa video và phát trực tiếp quảng cáo tiền điện tử.

Đến khuya, nhiều người dùng tiếp tục phát hiện kênh YouTube Quang Linh Vlogs (3,8 triệu lượt theo dõi) của ông Phạm Quang Linh và Đông Paulo Vlogs (810.000 lượt theo dõi) của Nguyễn Đông đã bị hacker chiếm quyền và đổi ảnh đại diện, ảnh bìa và chuyển tên thành Ripple, một hệ thống thanh toán sử dụng công nghệ blockchain.

Kênh Youtube Độ Mixi hơn 7,3 triệu lượt theo dõi vừa bị “bay màu

Tuy nhiên, ghi nhận đến sáng 3-4, các video trên kênh Quang Linh Vlogs vẫn tồn tại và không bị phát trực tiếp với nội dung giới thiệu tiền điện tử XRP, hình ảnh đại diện cũng được đổi lại thành Quang Linh Vlogs nhưng ảnh bìa vẫn là Ripple. Một số người dùng đặt câu hỏi, liệu kênh này có thật sự bị hack hay không?

Trong khi đó, kênh Đông Paulo Vlogs tối qua đã bị chiếm quyền và phát trực tiếp quảng cáo loại tiền điện tử này giống như cách mà tin tặc tấn công với Độ Mixi.

Trong nội dung đoạn video phát trực tiếp, tin tặc cũng đã gửi kèm một đường link để lôi kéo mọi người truy cập mua đồng XRP.

Theo các chuyên gia, đây là đường link có chứa mã độc nhằm lấy cắp thông tin của người dùng.

Hiện tại, kênh Youtube Đông Paulo Vlogs đã không thể tìm kiếm trên Youtube.

Hai kênh Youtube Quang Linh Vlogs và Đông Paulo Vlogs được nhiều người yêu thích khi chia sẻ những trải nghiệm chân thực, giản dị cuộc sống của một người Việt sinh sống và giúp đỡ những người khó khăn ở Angola, châu Phi bằng cách tặng đồ ăn, hướng dẫn họ cách trồng trọt, mở trưởng dạy học và kêu gọi từ thiện…

Trên mạng xã hội Facebook, chủ kênh Youtube Quang Linh Vlogs đã bày tỏ sự buồn bã với dòng trạng thái “Toang rồi!!!” và thu hút rất nhiều người dùng vào bình luận, chủ yếu là để an ủi chủ kênh.

Liên quan đến việc bị tin tặc chiếm kênh, một chuyên gia bảo mật nhận định việc bị hack có thể đến từ sơ suất của chủ tài khoản hoặc người được cấp quyền quản lý khi máy tính cài một số phần mềm trò chơi không bản quyền, sau đó thông qua các công cụ crack khiến thiết bị bị dính mã độc.

Trước tình trạng tấn công mạng gia tăng, các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo các kênh Youtube nổi tiếng khác tại Việt Nam nên cẩn thận và tăng cường bảo mật nhiều lớp vì có thể sẽ là đối tượng tiếp theo bị hacker nhắm đến.

Cũng trong ngày 2-4, Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL) cũng có văn bản báo cáo khẩn số 2284 gửi các cơ quan liên quan về việc hệ thống công nghệ thông tin của công ty bị tấn công mã hoá dữ liệu khiến hệ thống bị ngưng trệ, không phát hành được hóa đơn điện tử.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, vào 0 giờ ngày 2-4, hệ thống công nghệ thông tin của PVOIL bị tấn công bất hợp pháp có chủ đích theo hình thức mã hóa dữ liệu (ransomware).

Vụ việc này đã khiến hệ thống công nghệ thông tin của PVOIL bị ngưng trệ, trong đó có hệ thống phát hành hóa đơn điện tử. Vì vậy, việc phát hành hóa đơn điện tử phục vụ việc bán hàng của PVOIL tạm thời không thể thực hiện được.

Theo Người Lao Động

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

50 + = 59