Hai người này là GS Yann LeCun, người được mệnh danh là “Bố già AI” và GS Yoshua Bengio, người được coi là “Quái kiệt trong lĩnh vực AI”.
Tối ngày 6/12/2024, GS Yoshua Benjo, GS Yann LeCun, GS Geoffrey E. Hinton, ông Jen-Hsun Huang (Jensen Huang) và GS Fei-Fei Li được vinh danh là chủ nhân của Giải thưởng Chính VinFuture 2024 (trị giá 3 triệu USD). 5 vị chuyên gia hàng đầu này được vinh danh vì có những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của Học sâu, mở ra một kỷ nguyên đột phá cho những đổi mới sáng tạo về công nghệ, nhờ đó máy móc có thể “học” từ lượng dữ liệu khổng lồ và đạt được độ chính xác đáng kinh ngạc trong các tác vụ như nhận diện hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và đưa ra quyết định.
Trong chương trình giao lưu với các chủ nhân giải thưởng VinFuture 2024 hôm nay, GS Yann LeCun và GS Yoshua Benjo đã có những chia sẻ thú vị về giải thưởng, AI và đặc biệt là Nvidia.
GS Yann LeCun chia sẻ: “Đạt giải VinFuture là một vinh dự rất lớn đối với tôi. Tôi cảm thấy đây là danh hiệu rất lớn. Tôi rất ấn tượng với sự đón tiếp nhiệt tình, nồng hậu của Việt Nam, những bạn trẻ Việt Nam và đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học – công nghệ. Việt Nam là một quốc gia rất trẻ, dân số trẻ, do đó có thể sẽ có những tiến triển rất nhanh”.
Trong khi đó, GS Yoshua Benjo bày tỏ: “Tôi thực sự vinh dự khi nhận Giải thưởng Chính từ Quỹ VinFuture. Xin cảm ơn người sáng lập Quỹ VinFuture. Hành trình của tôi với AI từ 20 năm trước, khi tôi thấy quan tâm về mạng lưới thần kinh và mong muốn hiểu đươc các nguyên tắc phía sau trí tuệ. Và tại thời điểm đó, tôi không nghĩ là những tiến triển đạt được của những đồng nghiệp, bạn bè tôi sau đó lớn thế nào.
Tôi cũng không tưởng tượng được những ứng dụng công nghệ này và thách thức ngày nay cũng như rủi ro có thể mang lại. AI có thể cung cấp những lợi ích to lớn nhưng khi và chỉ khi chúng ta dẫn dắt cho AI một cách phù hợp. Chúng ta phải hiểu quy mô của thách thức và có trách nhiệm thực hiện thành công”.
AI có khả năng định hình tương lai ngành giáo dục?
“Mô hình ngôn ngữ lớn là hoàn toàn hữu ích. AI vẫn chưa thể thông minh được bằng con người nhưng đó là định hướng cho ta. Về giáo dục, chúng ta có thể huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn để thành kho tổng hợp tri thức nhân loại, tìm ra mối quan hệ giữa các khối kiến thức với nhau. Mô hình này tốt hơn wikipedia nhiều hoặc các công cụ tìm kiếm. Hoặc ta có thể tương tác thêm bằng cách hỏi lại AI. Bằng những cách như vậy, AI sẽ tác động lớn tới giáo dục trên toàn thế giới”, GS Yann LeCun nhận định.
Theo GS LeCun, chúng ta có thể làm việc với người thông minh hơn mình. Vậy thì bây giờ là máy sẽ phục vụ chúng ta. Do đó, chúng ta phải thay đổi cách đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Chúng ta phải dạy cách hiểu sâu vấn đề, thay vì câu hỏi lên mạng search là tìm ra câu trả lời. “Ngày xưa chúng ta phải tốn thời gian dạy cộng trừ, nhưng bây giờ có máy tính”, GS Yann LeCun chia sẻ.
GS Yann LeCun cho biết: ” AI đang phát triển trên thế giới, cực kỳ nhanh. Sự phát triển cực kỳ nhanh của AI trên thế giới là nhờ các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế công nghệ hiện đại vẫn còn rất hạn chế, do đó, chúng ta vẫn còn rất nhiều lĩnh vực để nghiên cứu, đặc biệt là trong các thế hệ tiếp theo của AI. Các AI thế hệ tiếp theo có thể được nghiên cứu và được đưa ra bởi các nhà học thuật hoặc các ngành công nghiệp. Vì thế sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho các sinh viên, thạc sĩ và nghiên cứu sinh của Việt Nam để có thể đóng góp cho sự phát triển của AI”.
Đồng quan điểm với GS LeCun, GS Yoshua Bengio cho hay: “Cá nhân tôi thấy rằng AI đang thay đổi xã hội của chúng ta một cách nhanh chóng trong nhiều ngành khác nhau. AI có thể tác động đến nhiều ngành khác nhau. Vài vậy, điều quan trọng là chúng ta cần phải có sự phối hợp giữa chuyên gia của các ngành. Với các nhà khoa học, sự phối hợp này đặc biệt quan trọng. Ví dụ, trong ngành chăm sóc sức khỏe, để có thể tận dụng AI một cách hiệu quả, chúng ta cần có sự phối hợp để tạo ra tác động có ý nghĩa cho xã hội”.
GS Yoshua Bengio nhận định, Việt Nam hiện nay rất quan tâm đến vấn đề công nghệ. Điều này không chỉ từ phía Chính phủ mà cả người dân nói chung. Lợi thế này sẽ rất là tốt cho tương lai phát triển của Việt Nam, đặc biệt là phát triển công nghệ.
Tin vui từ Nvidia, cơ hội cực lớn cho Việt Nam
Trước đó, chiều 5/12, Chính phủ Việt Nam và Nvidia, hãng chip trị giá hơn 3.500 tỷ USD, vừa ký kết mở Trung tâm R&D và Trung tâm Dữ liệu AI để thúc đẩy ứng dụng AI, mở rộng việc làm cho nhân lực trong nước.
Biết tin này, cả GS Yann LeCun và GS Yoshua Bengio đều bày tỏ sự vui mừng. Hai ông cho rằng đây là tín hiệu tích cực trong tiến trình phát triển AI tại Việt Nam.
GS Benjo nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần có sự đầu tư đầy đủ từ phía Chính phủ vào trong lĩnh vực giáo dục và các trường đại học, trung tâm nghiên cứu. Bởi đây là những cơ sở giúp sản sinh ra các tài năng cho lĩnh vực AI.
“Ví dụ, tại trường ĐH Montreal (Canada) mà tôi đang công tác, chúng tôi đang rất cố gắng để tạo ra được sự hợp tác giữa những nhà lãnh đạo trong ngành với giới học giả. Sự hợp tác này có thể giúp cho các công ty khởi nghiệp có thể phát triển được, đồng thời giúp chúng tôi có thể tạo ra được những người tài năng ở trong ngành”, ông Benjo chia sẻ.
Theo GS Yann LeCun, để tạo ra một hệ sinh thái cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như tất cả mọi người, các bên liên quan cần phải có các phòng nghiên cứu.
Tiếp lời GS Bengio về tin vui từ Nvidia, GS LeCun cho rằng: “Sự phát triển của công nghệ cũng như thương mại trong lĩnh vực công nghệ sẽ được quyết định bởi sự tiến triển của khoa học – công nghệ. Do đó, các trường đại học, các doanh nghiệp hay những lĩnh vực liên quan cũng sẽ cần phải có các phòng nghiên cứu. Việc này rất quan trọng, bởi từ đó tạo nên một hệ sinh thái cho các startup cũng như ứng dụng được cho tất cả mọi người”.
Theo GS Yann LeCun, hiện tại có 2 khu vực trên thế giới phát triển rất mạnh về AI. Đó là các phòng nghiên cứu ở Paris và London.