Nỗ lực ngăn rác điện tử

Việt Nam luôn bị bao vây bởi vô số nguồn rác điện tử (RĐT) ngoại nhập khi ngày càng nhiều nước siết chặt luật lệ để ngăn chặn RĐT đổ vào nước mình. Nếu không dựng được hàng rào bảo vệ vững chắc, Việt Nam có nguy cơ trở thành một bãi đổ RĐT cho thế giới.

Phân loại, thu gom rác điện tử tại nguồn chặt chẽ, đặt trách nhiệm xử lý lên các hãng sản xuất.

Nguy cơ rò rỉ thông tin

Theo thống kê của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường – Đại học Bách khoa Hà Nội, mỗi năm, Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn RĐT, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng. Ước tính đến năm 2025, riêng rác thải từ ti vi có thể lên tới 250.000 tấn.

Theo Tổ chức Đối tác Thống kê Chất thải Điện tử Toàn cầu, riêng năm 2019, Việt Nam có 514.000 tấn sản phẩm điện tử được đưa ra thị trường, phát sinh 257.000 tấn RĐT, với mức bình quân 2,7 kg/người. Ngoài các loại RĐT truyền thống, các tấm pin mặt trời, pin xe điện thải gần đây trở nên một thách thức lớn khi việc sử dụng năng lượng mặt trời và các phương tiện giao thông chạy điện đang được nhà nước khuyến khích. RĐT có thể gây nguy hiểm cho môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nếu không được xử lý đúng cách, các loại RĐT có thể giải phóng các chất độc hại như thủy ngân, chì, crom, asen, niken… vào môi trường. Ngoài ra, còn tiềm tàng nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân, thông tin quan trọng từ các thiết bị điện tử được thải ra mà không được xử lý đúng cách.

Người dùng trao thiết bị điện tử cũ cho chương trình “Việt Nam Tái chế” để xử lý đúng chuẩn. Ảnh: VNTC

Ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn – Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết tại TP HCM, việc chất thải điện tử được đưa đến các điểm thu mua phế liệu là do theo thói quen, người dân chuyển giao, cho, bán các chất thải còn giá trị kinh tế. Mặt khác, do các điểm thu hồi chất thải điện tử theo quy định chưa được triển khai tốt, tồn tại các hoạt động tái chế chất thải điện tử chưa theo đúng quy định.

Xanh hóa quy trình sản xuất

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực xử lý RĐT tại chỗ, đồng thời ngăn chặn các nguồn thiết bị điện – điện tử thải bỏ nhập. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã đưa ra những quy định về phát triển kinh tế tuần hoàn, về trách nhiệm tái chế, xử lý các sản phẩm thải bỏ (EPR).

Hàng loạt chương trình nâng cao ý thức của người dùng và trách nhiệm của nhà sản xuất – kinh doanh về RĐT đã được triển khai. Đáng chú ý là chương trình Việt Nam Tái chế (VNTC) được thực hiện bài bản và bền bỉ (hoạt động xuyên suốt từ tháng 4-2015). Đây là chương trình thu hồi và xử lý, tái chế RĐT miễn phí do các nhà sản xuất thiết bị điện tử khởi xướng – nòng cốt là các công ty HP, Apple và Microsoft – nhằm tuân thủ Quyết định 16 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi sản phẩm thải bỏ. Hiện nay, tại TP HCM và Hà Nội, chương trình VNTC đã lập được 10 điểm thu hồi RĐT. Tại đây, người dùng có thể gửi các thiết bị điện tử cũ như máy tính, máy ảnh, các thiết bị điện tử của gia đình để đội ngũ VNTC xử lý. Trong năm 2023, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam đã cam kết thu gom và tái chế hơn 13.000 tấn bao bì.

Trong vài năm gần đây, Công ty Điện tử Samsung (Hàn Quốc) đã cấu trúc lại quy trình sản xuất cho xanh hơn, sử dụng ngày càng nhiều vật liệu tái chế sau tiêu dùng cho những sản phẩm cao cấp, chú trọng tới bao bì xanh, thân thiện với môi trường. Trong cuộc họp báo tại Hội chợ – Triển lãm công nghệ toàn cầu CES 2024 ở Las Vegas – Mỹ ngày 8-1, ông Inhee Chung, Phó Chủ tịch Trung tâm Phát triển Bền vững doanh nghiệp của Samsung, chia sẻ kế hoạch của Samsung về một nền kinh tế tuần hoàn hơn. Là một phần của kế hoạch này, Samsung ngày càng tăng cường sử dụng các vật liệu tái chế vào các sản phẩm của hãng – bao gồm nhựa tái chế có nguồn gốc từ lưới đánh cá thải bỏ trong các thiết bị Galaxy, nhựa tái chế trong ti vi và nhôm tái chế trong tủ lạnh Bespoke. Ngoài ra, công ty cũng sẽ mở rộng quy mô tái chế và nâng cấp cho các thiết bị. Vào giữa năm 2023, Samsung Vina đã phối hợp với hệ thống cửa hàng bán lẻ Thế Giới Di Động triển khai hoạt động “Chung tay xử lý pin đã qua sử dụng” trên toàn quốc nhằm thu gom và xử lý pin cũ từ các thiết bị Samsung. Các thùng thu gom pin cũ được đặt tại hơn 100 cửa hàng của hệ thống Thế Giới Di Động trên toàn quốc và RĐT được chuyển tới nhà máy Samsung để xứ lý theo đúng chuẩn.

Rác điện tử thu về lượng vàng gấp 56 lần khai thác tự nhiên

Tại một hội thảo về chất thải điện tử ở TP Hà Nội mới đây, ông Yutaka Yasuda, Giám đốc điều hành cao cấp của Công ty Kim loại JX Nhật Bản, chia sẻ 3 giải pháp mạnh mà Nhật Bản đã triển khai để xử lý và tái chế rác thải điện tử. Thứ nhất, thực hiện công tác phân loại và thu gom RĐT tại nguồn chặt chẽ, đặt trách nhiệm xử lý lên các hãng sản xuất. Thứ hai, áp dụng luật về tái chế đồ gia dụng cho các sản phẩm như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa không khí, nhà sản xuất chịu trách nhiệm tái chế các thiết bị cũ, hỏng. Thứ ba, người dân Nhật Bản phải trả tiền khi loại bỏ thiết bị điện tử cũ và quy trình sản xuất đặt yêu cầu nghiêm ngặt về tỉ lệ tái chế tài nguyên.

Nhiều năm nay, Việt Nam đã triển khai Chiến lược quốc gia Việt Nam về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Vào đầu năm 2024, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Các ngành sản xuất – kinh doanh lẫn hoạt động tiêu dùng cũng phải được xanh hóa.

Khâu xử lý vẫn ở mức thô sơ

Theo Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, quá trình thu gom và xử lý RĐT tại Việt Nam hiện vẫn ở mức thô sơ, bất cập. Khoảng 100 cơ sở thu mua và tái chế RĐT chỉ hoạt động mang tính thủ công. Những cơ sở ứng dụng công nghệ cao lại gặp khó khăn về nhân lực, trang thiết bị cũng như thiếu sự đầu tư về khoa học và chuyển giao công nghệ.

Theo Người Lao Động

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

− 1 = 7