MobiFone sở hữu quyền sử dụng tần số vô tuyến điện băng tần C3 (3800 – 3900 MHz)

(MobileWorld.vn) – Hôm nay 9/7/2024, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã tham gia đấu giá và trở thành nhà mạng giành được quyền sử dụng tần số vô tuyến điện với khối băng tần C3 (3800 – 3900 MHz). Việc đấu giá này được thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về Quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam, nằm trong chủ trương của Chính phủ về việc thương mại hóa dịch vụ 5G.

Việc triển khai 5G luôn là mối quan tâm hàng đầu của MobiFone bởi đây là nội dung trọng yếu trong hành trình phát triển và chiến lược của MobiFone đến năm 2035, với việc chuyển từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam.

Trước đó, MobiFone đã tiến hành thử nghiệm 5G tại nhiều địa bàn trên cả nước. Quá trình thử nghiệm này đã cung cấp những cơ sở dữ liệu ban đầu để nhà mạng đánh giá và xây dựng các phương án mở rộng mạng lưới trong tương lai.

Trong năm 2024, với việc giành được quyền sở hữu khối băng tần C3 (3800 – 3900 MHz) sẽ là cơ sở để MobiFone đẩy nhanh thương mại hóa dịch vụ 5G trên phạm vi toàn quốc, trong đó tập trung tăng cường dịch vụ tại các thành phố lớn, khu vực sân bay, các điểm du lịch hay các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp. Đồng thời, để tăng cường hiệu quả triển khai 5G, MobiFone sẽ triển khai mô hình hợp tác chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng có băng tần 5G phù hợp. Việc hợp tác này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực của các nhà mạng mà còn đem lại cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất với dịch vụ 5G.

Với đặc tính tốc độ cao, độ trễ thấp hơn so với 4G, 5G sẽ là mảnh ghép để hoàn thiện các nền tảng công nghệ của MobiFone gồm: 5G, Big data, Cloud, AI,… Nền tảng công nghệ này sẽ mang đến cho các khách hàng cá nhân, tổ chức các dịch vụ chất lượng với trải nghiệm khác biệt như: Online Gaming (Bao gồm game online, offline, cloud gaming, VR Game, livestream gaming, data IP game…); Smart port, Smart Factory (cung cấp khi triển khai 5G SA với các case về xe tự hành AGV, xe nâng/cần cẩu tự hành, Video surveillance, AR, drone control, Push-to-talk… ứng dụng private network/ SA Slicing); Hệ sinh thái MobiEdu – Ứng dụng và nội dung học tập, giải pháp trường học trực tuyến; Nền tảng VN-MOOC mobiEdu; Hệ sinh thái Y tế số, Nông nghiệp số; Digital Content (cung cấp video chất lượng 4K, 8K, nghe nhạc chất lượng cao hifi music, truyền hình, VOD, …); Áp dụng công nghệ thực tế ảo/ thực tế tăng cường/ thực tế hỗn hợp tăng cường trong du lịch thông minh, giáo dục – đào tạo, bán lẻ, trò chơi, quảng cáo, bất động sản…

Việc cung cấp các dịch vụ này càng củng cố phương châm “Nâng tầm cuộc sống – Maximizing Life” của MobiFone. Qua đó thể hiện MobiFone đang chuyển mình mạnh mẽ để đón đầu công nghệ, đáp ứng, kiến tạo các nhu cầu trong nền kinh tế số, đời sống số của khách hàng; cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, tạo ra nền tảng, công cụ giúp khách hàng có những trải nghiệm hiện đại, tối ưu nhất. Bên cạnh đó, hệ sinh thái hoàn chỉnh sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế tiêu cực, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp; đồng thời, đem đến sự tiện lợi, nâng cao trải nghiệm khách hàng, hướng đến tương lai số cho tất cả các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp của MobiFone. Đến năm 2030, MobiFone xác định mục tiêu phát triển mạng 5G đảm bảo vị trí doanh nghiệp hàng đầu thị trường Việt Nam. Song song với đó, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm Make in MobiFone trong các lĩnh vực AI/ML, IoT, Big Data, Blockchain…

Thành công giành quyền khai thác băng tần C3 (3800-3900 MHz), MobiFone từng bước hiện thực hóa chiến lược phát triển thành doanh nghiệp số. Nhà mạng quyết tâm trở thành “đầu tàu” mới cho ngành viễn thông Việt Nam, cho công cuộc chuyển đổi số của toàn xã hội.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

− 1 = 1