“Mê hồn trận” lừa đảo công nhân trên mạng

Với bất kỳ công việc gì liên quan tới “việc nhẹ lương cao”, người lao động nên tìm hiểu trước khi quyết định.

Trong thời gian nghỉ thai sản, chị Lê Thị Thanh Thủy, công nhân (CN) một công ty may tại KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM), có ý định tìm việc làm thêm. Do vậy, khi nhận được tin nhắn có việc làm tự do, chỉ cần 99.000 đồng vốn, thu nhập mỗi tháng lên đến 7-8 triệu đồng, chị Thủy lập tức đăng ký.

Mất trắng vì cả tin

Chị Thủy được add vào nhóm có tên “Quà tặng 99k” và được trưởng nhóm hướng dẫn đặt lệnh chuyển 99.000 đồng sẽ nhận được ngay 149.000 đồng. Đang băn khoăn, chị Thủy thấy rất nhiều comment gửi vào nhóm: “Chị đang làm việc này, thu nhập rất tốt”, “Dễ làm, nhận tiền ngay”… Chỉ sau một phút đặt lệnh, tài khoản chị Thủy nhận ngay 149.000 đồng.

Trưởng nhóm cho biết nếu đặt lệnh 30 triệu đồng, chị sẽ nhận được 70 triệu đồng. Thế nhưng, khi chuyển 30 triệu đồng, chị Thủy nhận được tin nhắn lệnh của chị bị lỗi, muốn nhận được tiền chị phải tiếp tục chuyển 34 triệu đồng. Lúc này, chị lại thấy một nick khác chụp ảnh màn hình “Đã nhận 70 triệu đồng tiền thưởng”.

Người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, cần tìm các nơi uy tín để tránh rơi vào bẫy lừa đảo.

Nóng ruột vì số tiền đã chuyển rất lớn, chị Thủy tiếp tục chuyển tiền và tiếp tục nhận tin nhắn bị lỗi, để nhận được tiền thì phải chuyển tiếp gấp 5 lần số tiền đã chuyển. Đến lúc này, chị mới biết mình bị lừa và mất trắng số tiền hàng chục triệu đồng dành dụm lâu nay.

Khi vừa tương tác với chị Thủy qua Zalo, ngay lập tức, chúng tôi được add vào các nhóm “Tiến bước thành công”, “Lễ hội quà tặng”, “Đầu tư hiệu quả”… Rất nhiều nick liên hệ chúng tôi để hướng dẫn, hỗ trợ rất nhiệt tình. Thử vào nhóm “Tiến bước thành công”, chúng tôi được hướng dẫn chỉ cần đặt lệnh “Thành công” từ 100.000 đồng sẽ được nhận ngay 360.000 đồng…

Đúng 19 giờ 30 phút, nhóm trưởng mở lệnh, ngay lập tức nhóm nhận được rào rào các lệnh “Thành công”. Và ngay sau đó, hàng loạt ảnh chụp màn hình đã nhận “360.000 đồng” hiện lên kèm theo đó là những lời đường mật như “Công việc làm thêm thật dễ”, “Cảm ơn nhóm trưởng cho em cơ hội”… Thấy chúng tôi không tương tác, nhóm này im bặt.

Chị Nguyễn Thị Trang – CN tại một công ty nhựa trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP HCM – cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tình cờ lướt mạng xã hội, thấy thông tin Công ty TNHH T.T (xã Lê Minh Xuân) cần tuyển người gia công vòng hạt, kẹp tóc tại nhà, thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, chị Trang dùng số tiền tích góp để đặt cọc, nhận hàng về gia công.

Thời gian đầu, để tạo lòng tin, tiền đặt cọc và tiền công cho người nhận gia công được DN này thanh toán đầy đủ qua “ví điện tử”. Sau 2 tháng, chị Trang định rút tiền từ “ví điện tử” về tài khoản ngân hàng thì không thực hiện được. Tá hỏa, chị đến công ty hỏi rõ sự tình thì mới hay mình là nạn nhân của một nhóm lừa đảo. “Đến nay, tôi không liên lạc được với một ai, đồng nghĩa với việc mất trắng tiền đặt cọc và tiền gia công hàng hóa gần 100 triệu đồng” – chị Trang nói trong nước mắt.

Tài sản “bốc hơi”

Khi vừa mua một chiếc điện thoại ở cửa hàng về nhà, chị Mai Thị Kim, CN KCX Linh Trung I (TP Thủ Đức, TP HCM), nhận được cuộc điện thoại thông báo chị là người may mắn được nhận quà tặng. Quà gồm có: bình giữ nhiệt, áo mưa, máy sấy tóc…

Khi quyết định chọn máy sấy tóc, chị Kim được một nhân viên nữ này dặn dò: “Đây là quà tặng miễn phí, chị không phải trả thêm bất cứ chi phí nào, kể cả phí ship”. Sau đó, chị Kim được hướng dẫn add Zalo để làm thủ tục nhận quà. Chị được người này cho một đường link và hướng dẫn điền thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản… Khi nhận được tin nhắn, chị phải chụp màn hình gửi lại người này. Sau khi thực hiện xong các bước, ngay lập tức, số tiền hơn 10 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của chị Kim bốc hơi.

Mới đây, nhiều CN tại KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM) bị lừa vì “đặt cọc giữ phòng”. Đang cần chuyển nhà gấp, chị Cao Thì Thùy Dương lên mạng tìm nhà xung quanh KCX thì lập tức thấy ngay hình ảnh một căn phòng mới sạch sẽ, thoáng mát giá 3 triệu đồng/tháng. Liên hệ với số điện thoại, chị được người đàn ông xưng là “chú Hải” xác nhận phòng đang trống nhưng vừa có 2-3 người hỏi thăm.

Nếu muốn giữ phòng, chị Dương phải chuyển trước 1 tháng tiền nhà. Lo mất phòng đẹp, Dương lập tức chuyển tiền cho người đàn ông này và hẹn tối sẽ xem nhà. Nhưng khi chị đến xem thì không liên hệ được người đàn ông kia, địa chỉ người này cung cấp là “địa chỉ ma”.

Luật sư Nguyễn Hải Nam, Đoàn Luật sư Bình Phước, cho biết hiện nay lừa đảo trên không gian mạng như “mê hồn trận” với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp và thủ đoạn liên tục thay đổi khiến ngày càng nhiều người mắc bẫy dù các cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, cảnh báo…

“Khi tương tác trên không gian mạng, người dùng không tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc, không truy cập vào các đường dẫn lạ và quan trọng là không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào như căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ người lạ trên mạng. Khi nghi ngờ hành vi lừa đảo, NLĐ báo ngay với công an để được hướng dẫn và kịp thời xử lý” – luật sư Nguyễn Hải Nam lưu ý.

TS Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc an ninh mạng Kaspersky tại Việt Nam:
Luôn suy xét kỹ lưỡng 

Có rất nhiều NLĐ, đặc biệt là CN đang nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ… dễ rơi vào bẫy việc nhẹ lương cao, mất trắng tiền bạc. Lừa đảo qua mạng thời gian gần đây tăng nhanh do phong trào freelancer (làm việc tự do), kiếm tiền trên mạng nở rộ. Đối tượng lừa đảo thường đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của con người. Chúng sử dụng các công cụ kỹ thuật số tiên tiến để thực hiện hành vi. Do vậy, với bất kỳ công việc gì mà “việc nhẹ lương cao” thì NLĐ phải tìm hiểu kỹ trước khi quyết định.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 + 2 =