Thời gian trở lại đây, nhiều người dùng phản ánh bị làm phiền bởi các cuộc gọi mời chào chứng khoán, tặng phiếu giảm giá tour, cộng tác viên bán hàng, quay số trúng thưởng… từ sáng đến khuya. Thậm chí, cuối tuần họ cũng không được tha!
Bị làm phiền bất kể giờ giấc
Ông Nguyễn Thành Trung – trưởng phòng bán hàng của một công ty giao nhận tại quận 1, TP HCM – cho biết khoảng 9 giờ trở đi, những cuộc gọi chào mời đầu tư tiền ảo, chứng khoán hay mua bất động sản ở TP HCM giá rẻ từ các số lạ liên tục dội đến khiến ông có lúc bỏ lỡ vài cuộc gọi quan trọng từ đối tác vì nghĩ là cuộc gọi rác nên không nghe máy. Việc này khiến công việc bị ảnh hưởng.
“Đầu tháng 4 vừa qua, do nghĩ số điện thoại đang gọi đến là từ sim rác nên tôi tắt máy nhưng thật ra là của đối tác đang cần xử lý giấy tờ. Từ đó đến nay, các cuộc gọi từ số lạ tôi buộc phải nghe máy nhưng mỗi lần nghe là rước bực vào người. Chưa đầy 1 tháng, tôi đã chặn hơn 60 số sim rác, chủ yếu là đầu số 033, 036, 024, 028…” – ông Trung nói. Ông Xuân Hảo – nhân viên văn phòng tại quận 3, TP HCM – chia sẻ đa phần cuộc gọi từ các sim rác là lừa đảo, mạo danh cơ quan chức năng yêu cầu đến trụ sở để định danh tài khoản lên mức 2, phạt nguội, mời gọi đầu tư dự án tiền ảo với cam kết lợi nhuận cao… “Sáng chủ nhật tuần trước, chưa kịp thức giấc thì tôi nhận được cuộc gọi của người tên Thanh, đầu số 02488869xx, thông báo tôi đã may mắn trúng giải đặc biệt là chiếc xe máy Wave Alpha 125i giá hơn 23 triệu đồng. Để nhận giải, người này yêu cầu tôi phải tham gia Telegram và kết bạn với tài khoản tên “Bích Trâm” để nhận đường link trúng thưởng. Trước đó nữa, đang ngủ trưa thì có người xưng là Công an TP HCM, yêu cầu tôi đến trụ sở nộp phạt nguội do lái ô tô vượt đèn đỏ ở Đà Nẵng, trong khi tôi không biết lái ô tô” – ông Hảo nói. Bà Thúy Bình – ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM – cho hay chính cuộc gọi từ những sim rác khiến công việc và cuộc sống bị ảnh hưởng khá nhiều. “Giờ trưa cần nghỉ lấy sức để chiều làm việc nhưng cũng bị những cuộc gọi mời chào tham gia đầu tư tiền số, tour du lịch hè giá 0 đồng hay mở thẻ tín dụng khiến tôi phát điên” – bà Bình bức xúc.
Theo phản ánh của nhiều người dùng, do được cảnh báo nên đã hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội nhưng người gọi từ các sim rác đều biết chính xác tên tuổi và tỉnh/thành nơi họ đang sống. Sim rác cũng được thay đổi liên tục, tinh vi hơn là gọi bằng đầu số 096, 090, 091… để người dùng nghe máy. Tần suất nhận cuộc gọi rác ngày càng dày làm ảnh hưởng công việc và thời gian nghỉ ngơi của người dùng.
Cần cơ chế bảo vệ phân lớp
Theo chuyên gia an toàn thông tin Huỳnh Trọng Thưa, nguyên nhân khiến thông tin người dùng lộ, lọt và bị tấn công bởi các cuộc gọi sim rác có thể đến từ việc trước đây họ đã khai thông tin khi đăng ký dịch vụ hay tại sự kiện nào đó không rõ nguồn gốc trên website hoặc mạng xã hội. Nguyên nhân khác cũng có thể là do thông tin bị lọt từ đơn vị sở hữu dữ liệu người dùng.
Theo ông Thưa, quy định bảo đảm an toàn thông tin của người dùng đối với mỗi tổ chức, doanh nghiệp (DN) hiện vẫn chưa đủ chặt chẽ, cần có cơ chế, chính sách bảo vệ phân lớp để dữ liệu người dùng an toàn. Chẳng hạn, đối với cấp lễ tân, chỉ phân quyền xem số điện thoại và tên của khách hàng; ở cấp cao hơn có thể nắm thông tin ngày tháng năm sinh, CCCD… kèm theo đó là trách nhiệm bảo mật. Tuy nhiên, điều này rất ít DN tại Việt Nam áp dụng do phát sinh thêm công nghệ, quy trình kiểm soát khiến khối lượng công việc nhiều hơn, phức tạp hơn, tăng chi phí… “Các cơ quan quản lý nhà nước cần quyết liệt vào cuộc, kiểm tra, thanh tra mức độ và chính sách an toàn thông tin dữ liệu một cách gắt gao như kiểm tra nồng độ cồn đối với các tập đoàn viễn thông, đơn vị nắm thông tin người dùng lớn. Bên cạnh đó, DN cần phân quyền xem dữ liệu để hạn chế rủi ro cho người dùng” – ông Thưa đề xuất.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp an ninh mạng Việt Nam (VNCERT), cho biết người dùng hiện nay khá thoải mái trong việc đưa thông tin của mình lên các nền tảng mạng xã hội, vô tình khiến họ bị các cuộc gọi rác liên tục tấn công, đồng thời cũng bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo. Bên cạnh đó, vẫn có trường hợp đơn vị nào đó đã bán dữ liệu khách hàng gồm tên tuổi, số điện thoại và email cho bên khác để kiếm lời. “Người dùng nên hạn chế cung cấp họ tên, số điện thoại trên các trang web, ứng dụng không đáng tin cậy. Đọc kỹ điều khoản sử dụng trước khi đồng ý chia sẻ thông tin cá nhân. Hầu hết các điện thoại đều có tính năng chặn cuộc gọi, người dùng có thể dùng cách này để chặn số điện thoại cụ thể hoặc các đầu số nghi ngờ” – ông Nguyên khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, người dùng không nên nghe hoặc trả lời từ các số lạ vì điều đó sẽ khiến họ càng bị làm phiền hơn khi được đưa vào nhóm khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, cần có sự chung tay đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước, DN, người dùng trong việc xử lý cuộc gọi rác, tin nhắn rác để hạn chế rủi ro cho chính mình và người khác.
Theo Người Lao Động