Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Dạy trẻ nguyên tắc cơ bản về an toàn số và quyền công dân số để trẻ tự tin khám phá thế giới trực tuyến. Thời gian học sinh nghỉ hè trở thành “những ngày đau đầu” của phụ huynh có con nhỏ. Nhiều phụ huynh chọn giải pháp giao smartphone hay máy tính bảng cho con để không bị “đeo bám, quấy rầy”.

Phối hợp hành động

Theo số liệu khảo sát của UNICEF vào năm 2022, có tới 87% trẻ em 12 – 17 tuổi sử dụng internet ít nhất 1 lần/ngày, 74% các em sử dụng internet tại trường học với thời lượng sử dụng internet từ 5-7 giờ/ngày. Một khảo sát trước đây của Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nay là Cục Bà mẹ và Trẻ em thuộc Bộ Y tế) cho thấy 91% trẻ em tham gia khảo sát có truy cập internet nhưng chỉ 10% trong số đó có kiến thức và kỹ năng sử dụng mạng an toàn.

Phụ huynh cần chọn chương trình giáo dục, vui chơi online phù hợp với trẻ để ngăn chặn những nội dung xấu xí, độc hại

Số lượng smartphone ở Việt Nam được kết nối còn nhiều hơn dân số (theo số liệu của GSMA Intelligence, vào đầu năm 2025, số kết nối di động ở Việt Nam đạt tới 127 triệu, trong khi có khoảng 100 triệu dân); toàn bộ kết nối di động này đều có khả năng dữ liệu, nghĩa là có thể vào internet; tỉ lệ người dùng internet cao ngất ngưởng tới 78,8% số dân; khả năng truy cập internet mọi lúc mọi nơi và mật độ phủ sóng internet ở Việt Nam hầu như toàn quốc, có thể nói là thuộc tốp đầu thế giới. Hầu hết trẻ em Việt Nam đều sử dụng internet.

Mùa hè chính là thời gian lý tưởng để trẻ em thoải mái dùng internet. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần có giải pháp đối phó phù hợp. Đây cũng là thách thức gia tăng nguy cơ mất an toàn khi trẻ lên mạng nhưng đồng thời là một cơ hội lý tưởng để tăng cường các hình thức và nội dung giáo dục trẻ, giúp các em vui chơi, giải trí bổ ích trên internet. Các cơ quan chức năng, các tổ chức giáo dục, xã hội và gia đình cần có những chương trình phối hợp hành động để vừa giám sát, bảo vệ trẻ trên không gian mạng vừa cung cấp cho trẻ những nội dung vui chơi lành mạnh, bổ ích.

Theo khảo sát của Google, các phụ huynh Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc con em mình lên internet và ngày càng có ý thức hơn về việc bảo vệ trẻ trên không gian mạng. Theo Google, trước năm 2021, có đến hơn 1/3 số phụ huynh Việt Nam được khảo sát chưa bao giờ nói chuyện với con về an toàn mạng. Tuy nhiên, đến năm 2023, có tới 87,7% phụ huynh đã có thể dễ dàng trao đổi với con về chủ đề này. Phụ huynh cũng chủ động tìm kiếm các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ con trong học tập (78,2%); tìm kiếm nội dung giáo dục chất lượng cao (72,2%); hướng dẫn con về an toàn mạng (64,1%).

Ở đây cũng phải nhấn mạnh tới vai trò tham gia hiệu quả của nhà trường dù đang trong mùa hè. Nên chăng những tuần trước nghỉ hè, các trường tổ chức những tiết học, buổi sinh hoạt với chủ đề giúp học sinh vui hè trên mạng an toàn và bổ ích.

Ngăn chặn nội dung độc hại

Theo các nhà chuyên môn, có 2 phần việc phải làm song song: bảo vệ trẻ an toàn trên mạng và cung cấp nội dung hữu ích cho trẻ trên mạng. Các cơ quan chức năng và các tổ chức liên quan cần xây dựng thật nhiều những chương trình, những nội dung vui chơi, vui học thu hút trẻ trên mạng. Chính những chương trình, nội dung tốt này sẽ là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn những nội dung xấu, độc hại.

Nhà nước nên đầu tư, đồng thời kêu gọi xã hội hóa để đặt hàng những chương trình, nội dung dành cho trẻ em rồi đưa lên không gian mạng. Có thể phối hợp với các nền tảng mạng truyền thông xã hội để lan tỏa các nội dung này. Chẳng hạn, YouTube có YouTube Kids (có cả ứng dụng di động) là môi trường dành riêng cho trẻ khám phá những nội dung dành cho trẻ em. Đại diện YouTube chia sẻ: “YouTube Kids giúp trẻ em khám phá thế giới thông qua video trực tuyến một cách an toàn và dễ dàng, từ việc thưởng thức bản nhạc và chương trình trẻ yêu thích đến việc học cách tạo mô hình núi lửa hoặc cách trở thành ảo thuật gia, cũng như tất cả mọi hoạt động sáng tạo khác”. Ứng dụng này còn có đầy đủ các công cụ kiểm soát của cha mẹ để điều chỉnh trải nghiệm xem video phù hợp với nhu cầu của gia đình.

Năm 2021, Google đã bắt đầu triển khai dự án giáo dục “Be Internet Awesome – Em an toàn hơn cùng Google” với sự đồng hành của các đối tác bao gồm Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng (C.F.C Việt Nam), các sở giáo dục và trường học tại nhiều tỉnh, thành. Dự án này có giáo trình được thiết kế đặc biệt nhằm hướng dẫn trẻ sử dụng internet an toàn, cẩn trọng và tránh các hành vi xấu có nguy cơ ảnh hưởng tới trẻ. Đồng thời, dạy trẻ các nguyên tắc cơ bản về an toàn kỹ thuật số và quyền công dân số để các em có thể tự tin khám phá thế giới trực tuyến.

Hiện nay, phụ huynh và trẻ em ở Việt Nam có thể truy cập vào website tiếng Việt của dự án bổ ích này tại địa chỉ: https://beinternetawesome.withgoogle.com/vi_vn.

Thay đổi tư duy “không quản được thì cấm”

Theo các chuyên gia, trong kỷ nguyên số, không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng phải chung sống với internet, cần phải học cách sống trên không gian mạng. Vì vậy, cần thay đổi tư duy “không quản được thì cấm”, phụ huynh nên chọn giải pháp tích cực và phù hợp với xu thế thời đại là giúp trẻ học được các kỹ năng số, tùy theo lứa tuổi.

Theo Người Lao Động

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 + = 10