2023 cạnh tranh giá bán khốc liệt, 2024 các nhà bán lẻ tính tồn tại như thế nào?

Sau một năm với các chiến dịch “Rẻ quá”, “Rẻ hơn rẻ quá”, “Rẻ hơn các loại rẻ”, “Rẻ nữa”… các nhà bán lẻ sẽ phải quay về với bài toán kinh tế để tồn tại trong năm 2024.

2023 được nhận định là một năm kinh tế khó khăn, đặc biệt là với ngành bán lẻ khi người tiêu dùng mang theo tâm lý “thắt lưng, buộc bụng”. Trong đó, lĩnh vực công nghệ chứng kiến sự ảnh hưởng mạnh nhất. Với tính chất bão hòa của ngành smartphone, cộng với dịch COVID-19 diễn ra cách đây không lâu khiến cho người dùng đã sở hữu nhiều thiết bị như laptop, máy tính bảng, cũng như các thiết bị phục vụ đời sống, dẫn đến sức mua giảm.

Điều này đã khởi động cho cuộc đua về giá bán giữa các nhà bán lẻ. Cuộc chiến về giá bán giữa các hệ thống phân phối di động thực tế đã được nhen nhóm từ đầu năm 2023, khi dòng sản phẩm cao cấp chủ lực là iPhone 14 Pro Max gặp tình trạng “cung vượt cầu”, đặc biệt là với màu Tím, khiến cho các hệ thống phải điều chỉnh giá bán để xả hàng. Tuy nhiên, cuộc chiến có thể coi là chính thức bắt đầu vào tháng 4, khi Thế Giới Di Động khởi động chiến dịch “Giá rẻ quá”.

Song song với đó, tại hội nghị cổ đông thường niên, Chủ tịch HĐQT MWG, ông Nguyễn Đức Tài còn cảnh báo các đối thủ: “Với vai trò nhà đầu tư, nếu các bạn cũng đầu tư vào các đối thủ cạnh tranh, các bạn sẽ nghe thấy tiếng rên xiết trong thời gian sắp tới, và nó sẽ kéo dài chứ không phải ngắn hạn đâu. Các bạn chuẩn bị cho tinh thần đó đi”.

2023 cạnh tranh giá bán khốc liệt, 2024 các nhà bán lẻ tính tồn tại như thế nào?- Ảnh 1.
Tại ĐHCĐ 4/2023, ông Nguyễn Đức Tài tuyên bố cạnh tranh về giá bán với các đối thủ

Ngay lập tức, các đối thủ của TGDĐ như FPT Shop, CellphoneS, Di Động Việt… cũng đã có các chương trình tương tự như “Rẻ quá”, “Rẻ hơn rẻ quá”, “Rẻ hơn các loại rẻ”, “Rẻ nữa”, “Ở đâu “rẻ quá” ở đây RẺ HƠN”… Trong đó, với dòng sản phẩm mà mức giá thường bị đưa ra so sánh như iPhone, mức giá của các đơn vị bán lẻ nhỏ hơn thường dao động trong khoảng vài trăm nghìn đồng, tuỳ vào thời điểm và dòng máy.

Câu hỏi đặt ra là: Sau một năm 2023 tập trung cạnh tranh về giá bán, chiến lược này liệu sẽ ra sao trong năm 2024, khi mà nền kinh tế vẫn chưa có những dấu hiệu khởi sắc? Các nhà bán lẻ liệu có thể tiếp tục “gồng gánh” đến bao giờ và sinh tồn ra sao?

Thế Giới Di Động: Tái cấu trúc toàn diện

Đại diện TGDĐ từ chối trả lời khi chúng tôi liên hệ. Tuy nhiên, thông cáo mới nhất vừa được phát ra ngày 25/12 cũng cho thấy phần nào tình thế hiện tại của “anh cả” ngành di động.

TGDĐ thừa nhận 2023 là một năm “không thuận lợi”, khi trong 11 tháng đầu năm 2023, chuỗi TGDĐ và Điện máy Xanh có tổng doanh thu đạt 76.7 ngàn tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.

TGDĐ sẽ tiến hành tái cấu trúc để 2024 tăng trưởng doanh thu, thị phần và cải thiện mạnh mẽ lợi nhuận. Công ty sẽ tập trung giữ vững các hoạt động cốt lõi, ngừng các hoạt động chưa thực sự cần thiết, tạm hoãn đầu tư cho các dự án R&D trung và dài hạn, phân bổ lại nguồn lực và tái sáng tạo, thay đổi cách thức kinh doanh.

2023 cạnh tranh giá bán khốc liệt, 2024 các nhà bán lẻ tính tồn tại như thế nào?- Ảnh 2.

Một trong số những động thái quyết liệt nhất là thuyên giảm số lượng cửa hàng. TGDĐ cho biết đã đóng gần 150 cửa hàng TGDĐ, Điện máy Xanh và Topzone trong tháng 10 và 11, và sẽ tiếp tục đóng cửa hàng kém hiệu quả trong tháng 12.

Như vậy, dù là nhà bán lẻ khơi mào cuộc chiến về giá (và hiện chiến dịch “Giá rẻ quá” vẫn đang tiếp tục được triển khai), nhưng từng đó là chưa đủ để giúp cho TGDĐ tránh khỏi tình trạng cắt giảm hoạt động.

FPT Shop: Tập trung trải nghiệm khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm

Đối thủ chính của TGDĐ là FPT Shop cũng đã trải qua một năm 2023 đầy thách thức. Tương tự như TGDĐ, FPT Shop cũng đã phải đóng cửa một số cửa hàng nhất định. Ở thời điểm tháng 9/2023, FPT Shop có 791 cửa hàng trên toàn quốc. Tới nay, con số này chỉ còn 758.

Thực tế, FPT Shop cũng tham gia vào cuộc chiến giá bán với TGDĐ với một số chiến dịch như “Ở đâu “rẻ quá” ở đây RẺ HƠN” hay “Rẻ hơn cả Rẻ quá”. Tuy nhiên, FPT tập trung hơn vào việc nâng cao trải nghiệm khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm với một số dự án như chương trình khách hàng thân thiết FPT Loyalty, TTBH ủy quyền Apple F.Care by FPT, đặc quyền bảo hành iPhone 2 năm, khai trương cửa hàng Samsung S.Studio by FPT và Garmin Store…

2023 cạnh tranh giá bán khốc liệt, 2024 các nhà bán lẻ tính tồn tại như thế nào?- Ảnh 3.

Về phía hoạt động và vận hành, FPT Shop đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động hai kho tổng tại hai miền Nam – Bắc, và đang tập trung đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số. Điều này không chỉ cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn cho thấy sự chuẩn bị cho tương lai với sự chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.

Năm 2024, dù đối mặt với thách thức từ một nền kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc, FPT Shop vẫn đặt mục tiêu tập trung vào chất lượng và trải nghiệm khách hàng. Họ nhấn mạnh rằng, chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng mới là yếu tố quan trọng giữ chân khách hàng trong thời gian dài.

Viettel Store: Phát huy lợi thế mà không một nhà bán lẻ nào khác có

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Khuê, đại diện truyền thông của Viettel Store cho biết 2023 là một năm với nhiều giai đoạn thăng trầm, và hệ thống này cũng đã đưa ra những điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế.

“Có thể nói, 6 tháng đầu năm là thời điểm biến động của toàn ngành bán lẻ đồ công nghệ trên thị trường. Thị trường sôi động trở lại trong 2 tháng kể từ khi Galaxy Fold/Flip 5 và iPhone 15 ra mắt và có xu hướng mua sắm giảm nhẹ và ổn định cho đến thời điểm cuối năm, Viettel Store liên tục đưa ra các chính sách về giá bán và hậu mãi tốt như 1 đổi 1 trong 60 ngày lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường đối với một số dòng sản phẩm như iPhone, Samsung”, ông Khuê cho biết.

2023 cạnh tranh giá bán khốc liệt, 2024 các nhà bán lẻ tính tồn tại như thế nào?- Ảnh 4.

Về năm 2024, dù biết thị trường kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, nhưng Viettel Store vẫn duy trì với các chương trình bán hàng độc quyền và chính sách giá tốt. Đặc biệt, Viettel Store là hệ thống duy nhất đóng vai trò vừa là nhà bán lẻ, vừa là nhà mạng di động. Năm 2023 chứng kiến sự chuyển mình của Viettel Store từ chỉ bán máy, sang áp dụng chiến lược kết hợp gói cước viễn thông để cung cấp giá tốt nhất cho khách hàng. Chiến lược này sẽ tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh trong năm 2024.

CellphoneS: Đi ngược bão, tiếp tục mở rộng quy mô cửa hàng trong năm 2024

Tương tự như các bán lẻ khác, nửa đầu năm 2023 là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn với CellphoneS. Doanh thu của CellphoneS trong Q1 2023 và Q2 2023 đã sụt giảm lần lượt 14% và 20% so với quý trước đó. Tuy nhiên, nhà bán lẻ này đã có sự phục hồi vào nửa sau của năm 2023, đặc biệt vào các tháng cuối năm nhờ các chiến dịch như mở bán iPhone 15 Series, Back to School và Black Friday.

Sau khi chịu tổn thất từ cuộc chiến giá ở Q2/2023 và một phần ở Q3/2023 , CellphoneS cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát chi phí, tiếp tục cải thiện dịch vụ khách hàng, cũng như bổ sung thêm nhiều các ưu đãi về thu cũ đổi mới, thanh toán, trả góp nhằm tăng tính cạnh tranh; cũng như tập trung vào các dòng sản phẩm thế mạnh của mình.

2023 cạnh tranh giá bán khốc liệt, 2024 các nhà bán lẻ tính tồn tại như thế nào?- Ảnh 5.

CellphoneS là một trong số những nhà bán lẻ hiếm hoi có sự tăng trưởng về số lượng cửa hàng trong năm 2023. Tính đến thời điểm này, CellphoneS đang sở hữu chuỗi 112 cửa hàng, sau khi đạt cột mốc 100 cửa hàng vào tháng 10/2022.

Trong năm 2024, CellphoneS kế hoạch sẽ tiếp tục kế hoạch mở rộng cửa hàng ở các thành phố mới mà CellphoneS chưa có mặt, cũng như nâng cấp các cửa hàng đã có doanh số tốt, đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Bên cạnh đó, CellphoneS sẽ mở rộng các ngành hàng mới như gia dụng, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp… phục vụ các nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Theo GenK

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

9 + 1 =