Android Market vừa đón sinh nhật thứ 15 và đã làm được rất nhiều trong 15 năm đó

Đã 15 năm kể từ khi Google giới thiệu Android Market (nay là Google Play Store) trên T-Mobile G1 hay HTC Dream, cũng là 15 năm kể từ khi bối cảnh hệ sinh thái ứng dụng di động thay đổi mãi mãi và phát triển từ vài tỷ đô lên nền kinh tế trị giá hơn sáu nghìn tỷ đô.

Rất ít ứng dụng hoặc dịch vụ có tác động nhiều đến cuộc sống hiện đại của chúng ta như Android Market. Chỉ có Apple App Store, ra mắt vài tháng trước đó vào năm 2008, mới có thể tạo ra tác động tương tự.

Hãy cùng hồi tưởng lại mọi thứ như thế nào trước khi những cửa hàng ứng dụng trở nên phổ biến trên điện thoại và làm thế nào Apple và Google thuyết phục mọi người rằng “luôn có ứng dụng cho điều đó”.

Những ngày tháng tìm kiếm ứng dụng khó khăn trước năm 2008

Trước năm 2008, việc tìm và tải xuống ứng dụng cho điện thoại “thông minh” không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Tất cả những gì bạn có thể tìm thấy là các cửa hàng độc lập hay trang web ngẫu nhiên. Hoặc phải sử dụng các cửa hàng ứng dụng dành riêng cho nhà cung cấp dịch vụ, với các ứng dụng được họ chỉ định và phải trả thêm phí.

Vào thời điểm đó, việc khám phá và quản lý ứng dụng chưa tồn tại. Lựa chọn ứng dụng cũng cực kỳ hạn chế và hầu hết đều xoay quanh việc mở hoặc chỉnh sửa tài liệu Office và tệp PDF. Bảo mật là một khái niệm còn xa lạ, bạn chỉ có thể hy vọng nó không ảnh hưởng gì đến thiết bị của mình. Việc trả tiền cho các ứng dụng cũng không hề dễ dàng.

Thậm chí đừng nói đến các bản cập nhật. Bạn mua một ứng dụng và chấm hết, bạn phải trả nguyên giá cho phiên bản mới của bất kỳ ứng dụng nào đã mua, đó là nếu nó có phiên bản mới.

Android Market đã thay đổi cuộc chơi như thế nào?

Android Market (và Apple App Store) đã thay đổi tất cả những điều đó khi ra mắt người dùng vào 22 tháng 10 năm 2008, nhưng bài viết này sẽ tập trung vào Android Market để mừng sinh nhật của nó.

Đột nhiên, ứng dụng trở thành một mặt hàng dễ tiếp cận. Có một nền tảng tập trung để truy cập và có sẵn một kho lưu trữ tất cả các ứng dụng cho điện thoại của bạn, được quản lý và bố trí hợp lý. Bạn chỉ cần xem và tải xuống. Và việc bạn sống ở đâu không quan trọng, Market nhanh chóng được hỗ trợ trên hàng trăm quốc gia.

Sự đa dạng của ứng dụng bắt đầu ở quy mô nhỏ nhưng cũng nhanh chóng phát triển. Có nhiều sự lựa chọn hơn là chỉ một số ứng dụng thời tiết và một số công cụ Office, đồng thời khả năng tiếp nhận của nhà phát triển ngày càng tăng nên luôn có nhiều ứng dụng hơn.

Các bản cập nhật ứng dụng cuối cùng đã trở thành tiêu chuẩn, người dùng không còn phải quá lo lắng khi phải sử dụng phiên bản đầu tiên hoặc gặp lỗi và có thể thấy quá trình các ứng dụng từ từ phát triển.

Hiện tại, chúng ta coi những điều này là đương nhiên, nhưng tất cả đều mới lạ và là một sự đổi mới đáng kinh ngạc vào cuối những năm 2000. Chính sự thay đổi này đã góp phần giúp Android thuyết phục mọi người từ bỏ Nokia và Symbian và giao cuộc sống số của mình cho Google. Người dùng muốn có quyền truy cập vào tất cả các tiện ích và các tiện ích này được phân phối thông qua ứng dụng Android.

Trong những năm qua, Android Market đã thay đổi rất nhiều. Nó đã bổ sung các ứng dụng phải trả phí và cơ chế mua hàng trong ứng dụng, bảo mật tốt hơn và scan ứng dụng thông qua Play Protect, chia sẻ ứng dụng gia đình, cải thiện quyền ứng dụng, ứng dụng sử dụng tức thì, Play Pass và nhiều tính năng khác. Nhưng mục tiêu vẫn như ngày đầu: đưa nhiều ứng dụng hơn vào tay chúng ta.

15 năm cung cấp ứng dụng và trò chơi

Android Market ra mắt vào tháng 10 năm 2008. Đến cuối năm 2009, nó “chỉ” có 20.000 ứng dụng, nhưng kể từ đó, tốc độ tăng trưởng đã theo cấp số nhân. Hơn 100.000 ứng dụng vào giữa năm 2010, hiện nay là 3,5 triệu.

Trong số những ứng dụng thành công ban đầu có The Weather Channel và WeatherBug vì các tiện ích thời tiết không có sẵn ngay lập tức. Trình quản lý tệp ES và trình quản lý tệp ASTRO, vì Android không có trình quản lý tệp tích hợp. Một số ứng dụng đèn pin vì đó chưa phải là tính năng dễ tiếp cận trên thanh cài đặt nhanh như ngày nay. Ứng dụng quét mã vạch vì Google Lens chưa tồn tại. Advanced Task Killer vì hồi đó Android quản lý tài nguyên rất tệ. Và Titanium Backup vì Android không có khả năng sao lưu và khôi phục.

Tuy nhiên, theo thời gian, các ứng dụng xuất hiện không chỉ lấp đầy những khoảng trống và khắc phục sự cố mà còn mang lại những khả năng bổ sung cho điện thoại của chúng ta. Tasker và Locale để tự động hóa, Shazam để tìm bài hát, Pandora và Spotify để phát nhạc, Aldiko để đọc sách điện tử, Angry Birds, Facebook, Twitter, Evernote, Kindle, Skype, Foursquare và nhiều ứng dụng phổ biến khác đã ra mắt trên Android trước cuối năm 2010 .

 

Android đã bước vào một chu kỳ tích cực. Nhiều ứng dụng hơn có nghĩa là nhiều người dùng hơn, vì vậy, nhiều thương hiệu hơn đã tạo ra nhiều điện thoại Android hơn cho nhóm khách hàng mới này, điều này tiếp tục mang lại nhiều nhà phát triển hơn và nhiều ứng dụng hơn. Angry Birds và Vine ngày xưa đã ra đi để chào đón những tân binh như Genshin Impact và TikTok.

Ngày nay, chúng ta có thể ít hào hứng hơn với các ứng dụng so với những năm 2000-2010, nhưng chúng đã là một phần cuộc sống của chúng ta.

Các ứng dụng đạt được thành công này cũng là nhờ có Android Market và Apple App Store. Hy vọng cả hai sẽ cùng nhau phát triển, tiếp tục mang đến những ứng dụng hữu ích và giảm bớt ứng dụng rác. Một lần nữa, chúc mừng sinh nhật Android Market.

Theo GenK

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

53 − 50 =