Wi-Fi 7 khác biệt thế nào so với Wi-Fi 6 và 6E

Wi-Fi 7 là bản cải tiến của Wi-Fi 6 và 6E, được kỳ vọng thay thế mạng dây nhờ tốc độ băng thông cao, nhưng hiện còn khó tiếp cận.

Vài năm sau khi Wi-Fi 6 (2019) và Wi-Fi 6E (2021) được triển khai cho người dùng cuối, mạng Wi-Fi thế hệ thứ 7, còn gọi là Wi-Fi 7, đã bắt đầu được phát triển. Một số thiết bị được trang bị mạng này đã xuất hiện, dù chưa được công bố chính thức.

Wi-Fi 7 vẫn tương thích tốt với các thiết bị mạng cũ nhờ vào hoạt động trên các băng tần phổ biến là 2,4 GHz, 5 GHz và 6 GHz tương tự Wi-Fi 6E. Nó thực tế là bản nâng cấp của Wi-Fi 6 chứ không phải công nghệ hoàn toàn mới. Tuy nhiên, nhờ mở rộng băng thông, kết nối được cải thiện đáng kể, đặc biệt là khả năng tải xuống nhanh và ổn định hơn, hạn chế tắc nghẽn mạng.

Wi-Fi 7 có gì mới?

Wi-Fi 7 được phát triển dựa trên tiêu chuẩn IEEE 802.11be. “Be” là cách phân biệt với các thế hệ Wi-Fi trước, như Wi-Fi 5 là 802.11ac, Wi-Fi 6 là 802.11ax. Tên gọi cũng thể hiện Wi-Fi 7 là bản nâng cấp của Wi-Fi 6 chứ không phải một công nghệ mới. Theo tiêu chuẩn này, tốc độ tối đa của Wi-Fi 7 đạt 30 Gb/giây, cao gấp ba lần mức 9,6 Gb/giây của Wi-Fi 6 và gần 10 lần mức 3,5 Gb/giây của Wi-Fi 5. Đây cũng là cơ sở để nhiều chuyên gia kỳ vọng Wi-Fi mới có thể thay mạng dây Ethernet.

Trên thiết bị cho người dùng cuối, theo các chuyên gia Intel, một máy tính xách tay Wi-Fi 7 “điển hình” có thể đạt “tốc độ tối đa tiềm năng” gần 5,8 Gb/giây. Để đạt con số này, Wi-Fi 7 tăng gấp đôi băng thông kênh tối đa lên 320 MHz thay vì 160 MHz trên các bộ định tuyến Wi-Fi 5, 6 và 6E.

“Đó là một đường ống lớn gấp đôi, chứa được nhiều dữ liệu hơn”, The Verge bình luận.

Mạng Wi-Fi mới hỗ trợ kết hợp các băng tần lại với nhau thành một kết nối duy nhất, gọi là Hoạt động đa liên kết (MLO). Nghĩa là, khi tải một tập tin với tốc độ 1 Gb/giây trên băng tần 6 GHz và trên băng tần 5 GHz ở tốc độ 700 Mb/giây, MLO sẽ kết hợp cả hai giúp tốc độ tải tối đa tăng lên 1,7 Gb/giây. Nếu một trong hai băng tần ngừng kết nối với lý do nào đó, băng tần còn lại vẫn tiếp tục hoạt động, từ đó tránh bị gián đoạn.

Wi-Fi 7 cũng tăng gấp đôi số lượng MU-MIMO, tức các luồng đồng thời đến và đi từ các thiết bị khác. Wi-Fi 6 hỗ trợ 8×8 MU-MIMO, nghĩa là bộ định tuyến có 8 ăng-ten có thể giao tiếp với 8 thiết bị (hoặc một thiết bị có 8 ăng-ten) và có thể truyền tối đa 8 luồng đồng thời đến mỗi thiết bị. Đối với Wi-Fi 7, con số là 16×16.

Dù vậy, các thiết bị định tuyến chưa thực sự phát huy tối đa công năng của số MU-MIMO. Những bộ định tuyến Wi-Fi 6E cho người dùng cuối đến nay vẫn bị giới hạn ở mức thấp, chẳng hạn mẫu Nighthawk RAXE500 giá 600 USD (15 triệu đồng) của Netgear hỗ trợ 4×4 MU-MIMO, còn hầu hết smartphone, laptop chỉ hoạt động ở 2×2 MU-MIMO.

Thực tế, công nghệ Wi-Fi 6 và 6E vẫn chỉ được áp dụng một cách hạn chế. Theo The Next Web, dù những công nghệ này được phát triển chính thức vài năm nay, số lượng thiết bị vẫn ở mức khiêm tốn. Tần số 6 GHz dùng cho Wi-Fi 6E chưa được cấp phép ở hầu hết quốc gia.

Theo giới chuyên gia, sự phát triển của IoT với những thiết bị yêu cầu độ trễ của mạng tiệm cận 0, trong khi truyền hình 8K, ứng dụng thực tế ảo AR/VR đòi hỏi một băng thông lớn, tốc độ truyền tải cao… Đó là những vấn đề Wi-Fi 7 có thể giải quyết.

“Chúng ta đã chứng kiến nhiều đổi mới trong các lĩnh vực có thể được hưởng lợi từ hiệu suất tăng cao của mạng không dây”, trang Android Authority viết.

Theo Liên minh Wi-Fi toàn cầu (Wi-Fi Alliance), Wi-Fi 7 sẽ mang lại tác dụng lớn nhất là giảm độ trễ, đảm bảo ổn định của hệ thống mạng, từ đó đem đến những ứng dụng hữu ích trong lĩnh vực phát video trực tuyến, điện toán đám mây, thực tế ảo, thực tế tăng cường, xe tự lái…

Hướng tới nhà thông minh

Một trong những trở ngại lớn với đường truyền không dây là độ trễ phát sóng. Nếu bộ định tuyến “bận rộn” do kết nối với nhiều thiết bị cùng lúc – điểm đặc trưng trong nhà thông minh, tình trạng tắc nghẽn sẽ xảy ra. Mỗi thiết bị sẽ cần xếp hàng chờ đến lượt.

Trong khi đó, Wi-Fi 7 giải quyết vấn đề này bằng cách đưa thêm dữ liệu vào sóng mang, bằng cách sử dụng kỹ thuật có tên OFDMA. Wi-Fi 6E cũng thực hiện điều này, nhưng dễ bị tác động của việc nhiễu sóng. Về cơ bản, Wi-Fi 7 bỏ qua nhiễu, giúp luồng dữ liệu được truyền đi thông suốt hơn – yếu tố mà nhà thông minh còn thiếu.

Tuy nhiên, OFDMA không tương thích ngược với các thiết bị cũ. Do đó, kể cả khi người dùng lắp bộ định tuyến dùng Wi-Fi 7, họ cũng cần đến thiết bị tương thích. Nếu dùng sản phẩm cũ hơn, tình trạng “xếp hàng” sẽ quay lại. Như vậy, công nghệ này hiện phù hợp với những ai muốn xây một hệ thống nhà thông minh mới hoàn toàn mới có thể tận dụng tối đa toàn bộ hệ sinh thái bên trong.

Đến nay, người dùng đã có thể mua một số thiết bị hỗ trợ Wi-Fi 7 dù nó chưa được Viện Kỹ sư Điện tử IEEE chấp thuận. Qualcomm đã ra mắt chip di động FastConnect 7800 có Wi-Fi 7 từ 2022. Samsung cũng tích hợp Wi-Fi mới lên Galaxy S23 Ultra, hay Acer đã đưa công nghệ lên mẫu laptop Swift Edge 16 inch. Dù vậy, với việc các thiết bị phát sóng còn ít và đắt đỏ, người dùng cuối có thể sẽ còn rất lâu mới được dùng Wi-Fi tốc độ cao này.

Theo The Verge, với người dùng phổ thông, chuẩn Wi-Fi hiện tại đã đủ cho các kết nối. “Nếu đang hy vọng Wi-Fi 7 có thể khắc phục toàn bộ mạng của mình, người dùng nên đợi thêm thời gian”, trang này bình luận. “Với thông số kỹ thuật chưa đầy đủ và rất ít thiết bị hỗ trợ, người dùng sẽ không thấy lợi ích từ công nghệ Wi-Fi mới trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm”.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

37 + = 41